Lâm Đồng: DN khai thác khoáng sản kêu cứu!

(Phapluatmoitruong.vn) – Một doanh nghiệp khai thác khoáng sản bất ngờ bị dừng hoạt động khiến công ty rơi vào tình cảnh khó khăn, nhất là khi chỉ vừa vực dậy sau thời gian dài tạm ngưng theo chỉ đạo của tỉnh…

Bất ngờ bị ngừng hoạt động

Trong đơn thư khiếu nại gửi các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm Đức Tuyển – Giám đốc DNTN Xuân Trường (Thôn 4, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: DNTN Xuân Trường được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác khoáng sản số 07/GP-UBND ngày 11/01/2008. Khu vực khai thác đã được thăm dò theo giấy phép thăm dò số 13/GP-UB ngày 13/2/2007 của UBND tỉnh. Công ty cũng đã được phê duyệt trữ lượng khoáng sản tại QĐ số 1946/QĐ-UBND ngày 30/7/2007 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, khu vực Công ty Xuân Trường được phép khai thác gồm ba đoạn dọc nửa lòng sông về phía tỉnh Lâm Đồng, có tổng chiều dài 6.750m thuộc khu vực các xã Đạ Ley, An Nhơn, Đạ Kho; Trữ lượng thăm dò cấp 122 là 301.120m3; Công suất được phép khai thác là 20.000m3/năm; Thời hạn khai thác 11 năm.

Giấy phép khai thác khoáng sản số 07/GP-UBND ngày 11/01/2008 do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho DNTN Xuân Trường.

Đến ngày 20/7/2009, Công ty được UBND huyện Đạ Tẻh giao Quyết định số 849/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường khai thác cát tại xã Đạ Ley, An Nhơn, Đạ Kho. Quyết định này nêu rõ, phía DN trong quá trình được cấp giấy phép, phải phục hồi môi trường như: Tu sửa đường giao thông, tháo dỡ, vận chuyển công trình nhà tạm, lán trại, máy móc, dụng cụ trong quá trình khai thác cát; Thu gom rác và quét dọn thu gom cát rơi vãi trên đường vận chuyển; Hỗ trợ đền bù đất nông nghiệp bị sạt lở, cây trồng để giữ đất…

Trong quá trình triển khai khai thác cát, DN tuân thủ đầy đủ các thủ tục hành chính và nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, mọi việc phát sinh từ năm 2017. Thời điểm này, địa bàn như Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai… xảy ra tình trạng “cát tặc” lộng hành. Dọc theo các tuyến sông, nhiều tàu khai thác cát lậu ngang nhiên hoạt động, gây sạt lở hai bên bờ sông, bất chấp các đợt truy quyét liên tục của các lực lượng chức năng.

Dọc các tuyến sông qua địa bàn các tỉnh, “cát tặc” lợi dụng kẽ hở giáp ranh địa bàn quản lý nên cho tàu thuyền neo đậu giữa các tỉnh, nếu tỉnh Lâm Đồng truy quét, thì nhóm khai thác cát lậu sẽ chạy sang Đồng Nai; Hoặc các đối tượng tổ chức khai thác ban đêm. Chính vì vậy, các tỉnh có tuyến sông cát lậu hoành hành tiến hành họp và đi đến thống nhất sẽ yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép ngừng khai thác cát để họp bàn lại trong công tác quản lý.

Tại thông báo số 145/TB-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng, các DN khai thác cát trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động từ ngày 05/6/2017. Sau đó, đến giữa tháng 7/2018, DNTN Xuân Trường nhận được thông báo số 50/TB-UBND cho phép khai thác cát trở lại trong thời hạn từ 21/7/2018 đến ngày 31/12/2018. Thế nhưng, đến ngày 01/01/2019, Công ty nhận được Công văn số 8631/UBND- GT về việc ngừng khai thác cát trên sông Đồng Nai.

Đơn khiếu nại của DNTN Xuân Trường gửi UBND tỉnh Lâm Đồng.

Không được gia hạn vì thủ tục chậm trễ? 

Việc DN bị ngừng hoạt động khiến ông Tuyển bất ngờ. Bởi xét theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 39 NĐ số 158/2016/ NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, lý do DNTN Xuân Trường không được gia hạn cấp phép khai thác cát vì… trễ 45 ngày.

Vấn đề không được gia hạn khiến ông Tuyển thấy bất cập. Theo ông, trong thời gian 13 tháng ngừng khai thác dựa trên chủ trương của tỉnh, DN khó khăn rất nhiều, sà lan hư hỏng, rồi chi phí bảo dưỡng, trả lương cho công nhân…, nhưng mọi khoản đóng góp cho Ngân sách Nhà nước thì Công ty vẫn thực hiện đầy đủ.

Việc trễ 45 ngày dựa theo Luật khoáng sản, ông chủ DN Xuân Trường cũng thấy chưa hợp lý. Lúc Công ty nhận thông báo ngừng khai thác cát, bản thân ông không biết lúc nào ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng sẽ cho khai thác trở lại. Do đó, ông cũng không làm đơn xin gia hạn theo quy định mà chờ chủ trương chỉ đạo của các ban ngành.

Quyết định thông báo ngừng hoạt động của tỉnh Lâm Đồng đối với DN Xuân Trường, ông Tuyển cho rằng chưa thật sự khách quan. “Theo Giấy phép khai thác khoáng sản, nguồn trữ lượng khai thác cát còn rất nhiều và hơn 1 năm DN phải ngừng hoạt động theo chủ trương chung, chi phí đóng ngân sách Nhà nước, DN vẫn làm tròn trách nhiệm. Thiệt hại của phía DN khi ngừng hoạt động cũng rất lớn. Lẽ ra các ngành chức năng cần tạo điều kiện giúp DN tháo gỡ khó khăn, nhưng phía Sở TN&MT lại không cho DN chúng tôi gia hạn vì thủ tục chậm trễ” – ông Tuyển nói.

Ngoài ra, thời điểm Công ty buộc phải đóng cửa, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh chỉ còn có 2 đơn vị tư nhân được phép khai thác cát. “Đơn cử như Công ty TNHH Phượng Hùng, địa chỉ đóng tại xã Đạ Kho, nguồn khu vực được phép khai thác có tổng chiều dài 3.600m, trữ lượng cát rất ít nhưng lại được gia hạn giấy phép 2 lần, đó là một bất cập khó lý giải!– ông Tuyển thắc mắc.

Trong suốt quá trình hoạt động, Công ty luôn thực hiện đầy đủ các khoản đóng góp cho Ngân sách Nhà nước.

Trong các biên bản làm việc giữa Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng và phía DNTN Xuân Trường ngày 11/2/2020 và 02/4/2021 đều kết luận: “Nội dung đề nghị gia hạn giấy phép của DNTN Xuân Trường không có cơ sở giải quyết do DN nộp hồ sơ khi giấy phép hết hạn (sau ngày 11/01/2019) không phù hợp với điểm a, khoản 1, Điều 39, NĐ 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ. Đối với nội dung đề nghị bù vào thời gian bị tạm ngừng khai thác, Sở TN&MT sẽ căn cứ các quy định để tổng hợp, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh”.

Liên quan đến những khiếu nại của DNTN Xuân Trường, phóng viên đã chuyển tải thông tin liên hệ đến Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

 Ngọc Bình – Lưu Bình 

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Hàng ngàn m3 tập kết cát của Công ty Phượng Hùng tại dốc Mạ ơi có dấu sai phạm.