UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản đề nghị tạm dừng các hồ sơ tách, hợp thửa dưới dạng hiến đất làm đường giao thông để nghiên cứu bổ sung các quy định mới, tránh tình trạng phân lô, bán nền tràn lan như thời gian qua.
Ngày 11/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 3962/UBND-ĐC về việc giải quyết hồ sơ đề nghị tách, hợp thửa trên địa bàn tỉnh gửi tới các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Cụ thể, tại văn bản UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định tạm dừng giải quyết các hồ sơ đề nghị tách, hợp thửa do hình thành đường giao thông mới từ việc người dân hiến đất làm đường cho đến khi UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Riêng đối với các hồ sơ đề nghị tách, hợp thửa đất có hình thành đường giao thông tiếp nhận trước ngày 6/4/2021 trên hệ thống phần mềm mà đường giao thông mới này đã được cấp có thẩm quyền cho phép và đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng thì Sở TN&MT tiếp tục thực hiện theo điểm a Khoản 1 văn bản số 3568/UBND-ĐC ngày 1/6/2021 của UBND tỉnh.
Đối với các trường hợp tách, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh ngoài các trường hợp nêu trên, các sở ban ngành, địa phương liên quan tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các sở ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh (ban hành trước ngày 15/07/2021) điều chỉnh, bổ sung Quyết định 04/2021/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 theo quy định (thực hiện theo quy trình rút gọn).
Giao UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý đất đai, chấn chỉnh, phát hiện và xử lý nghiêm việc phân lô tách thửa tự phát, trái quy định làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền khi không kịp thời phát hiện và để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa tự phát trái quy định.
Trước đó, ngày 31/3/2021, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã ban hành văn bản số 491/SXD-QHKT hướng dẫn đối với trường hợp hình thành đường giao thông mới để đủ điều kiện xem xét tách thửa. Theo đó, quy trình thực hiện đối với việc người sử dụng đất (chủ đầu tư) xin mở đường bao gồm 4 bước.
Bước 1, người dân (Chủ đầu tư) lập hồ sơ thiết kế xây dựng đường giao thông kèm theo Đơn đề nghị xin mở đường, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trình UBND cấp huyện xem xét cho mở đường (UBND cấp huyện giao phòng chuyên môn thẩm định hồ sơ thiết kế này).
Bước 2, sau khi được UBND cấp huyện có văn bản chấp thuận cho mở đường, Chủ đầu tư thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
Bước 3, sau khi đường giao thông mới đã đầu tư xây dựng theo thiết kế được chấp thuận, Chủ đầu tư thông báo cho cơ quan chức năng tổ chức nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng và bàn giao diện tích đất và hệ thống đường giao thông mới hình thành cho địa phương thực hiện công tác quản lý và có kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục còn lại theo kế hoạch.
Cuối cùng, UBND cấp huyện xem xét và có văn bản thống nhất để chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo trong việc tách thửa theo quy định.
Tuy nhiên, tình trạng phân lô, bán nền đội lốt hiến đất làm đường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn diễn ra. Đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cùng lãnh đạo Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT có trực tiếp kiểm tra một số khu vực san gạt, mở đường, phân lô bán nền ở các khu vực đồi chè nói riêng, đất nông nghiệp nói chung và các “dự án bất động sản lậu”.
Sau khi kiểm tra các hồ sơ liên quan và đi thực địa, ông Hiệp khẳng định việc mở đường trên đất nông nghiệp dựa trên quy định về việc hiến đất là lách luật để tách thửa, phân lô. Những hoạt động mở đường, san gạt, tách thửa tại đồi chè này là sai phạm nghiêm trọng cần được làm rõ. UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm giải quyết tất cả những tồn đọng về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn từ trước đến nay.
Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có nhiều bài viết phản ánh trên địa bàn huyện Lâm Hà, TP.Bảo Lộc, TP.Đà Lạt,.. xảy ra sai phạm về quản lý đất đai, mở đường, phân lô tách thửa.
Những sai phạm nghiêm trọng về đất đai đã gây tác động không đến môi trường sinh thái, nguy cơ phá vỡ quy hoạch, làm đảo lộn, ảnh hưởng đến cuộc sống kinh tế của người dân. Ngày 2/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc tạm đình chỉ công tác đối với ông Đậu Công Hải, Trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường TP.Bảo Lộc và ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch UBND xã Đam B’ri; Giám đốc Sở TN&MT đình chỉ công tác ông Trần Lê Duẩn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Bảo Lộc.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng còn chỉ đạo xem xét, xử lý tạm đình chỉ công tác công chức, viên chức của Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định, liên quan đến giải quyết tách thửa đất trái quy định, công tác quản lý chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết, có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý đất đai, xây dựng… trên địa bàn TP.Bảo Lộc.
Cần nghiên cứu xử lý hình sự Ngày 11/6, trả lời báo chí về việc đồi chè 36 ha trên địa bàn xã Đam B’ri, TP.Bảo Lộc ngang nhiên bị “xẻ thịt” rao bán dưới tên dự án Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Mélodie, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân tổ chức có liên quan đến sai phạm. Ông Võ bày tỏ, những sai phạm xảy ra trên quy mô lớn, làm hỏng nguồn lực đất đai, làm mất khả năng trồng trọt của đất tại tỉnh Lâm Đồng. Những sai phạm xảy ra ngang nhiên, từ đó gây tác động lớn vào niềm tin người dân địa phương. Tất cả những điều này đều có yếu tố mang tính hình sự. |
Thanh Tùng – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Khu đất rộng 36 ha ở xã Đam B’ri, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng bị san lấp, phân lô, bán nền dưới tên dự án Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Mélodie.
Xem bài viết gốc tại đây: