Một ngọn đồi sát Quốc lộ 20 (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) đang bị một doanh nghiệp dùng xe múc đào xới biến dạng trước sự nuối tiếc và thắc mắc của người dân địa phương.
Ngày 20-9, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng), thông tin về việc 1 quả đồi đang bị múc, đào xới ven Quốc lộ 20 thuộc địa bàn huyện này.
“Việc khai thác đất theo chủ trương chung, chúng tôi làm theo đúng quy trình. UBND huyện đã có văn bản giải trình gởi UBND tỉnh Lâm Đồng và sau đó, đoàn chức năng từ tỉnh đã về làm việc liên quan đến quả đồi này” – ông Chinh nói.
“Việc múc đất ở đây không phải là khai thác mà doanh nghiệp có nhu cầu cải tạo đất nông nghiệp. Quả đồi này do ông Lê Phước Vũ (Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen – PV) có nhu cầu cải tạo đất, nghĩa là múc chỗ này san lấp chỗ kia, bên ông Vũ có đóng phí môi trường đầy đủ” – ông Chinh cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngọn đồi đang bị múc phá biến dạng nằm sát cạnh Quốc lộ 20, thuộc xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai. Ngọn đồi này được doanh nghiệp cho đào xới, múc biến dạng để lấy đất san lấp phục vụ dự án Khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm của Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen.
Dự án này có vốn đầu tư gần 600 tỉ đồng, được tỉnh Lâm Đồng giao hơn 570 ha đất rừng thuộc một phần tiểu khu 582.
Vào khoảng tháng 5-2021, dự án Khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm có dấu hiệu san lấp một phần suối Tiên để làm đường vận chuyển đất đá từ ngọn đồi nói trên để đưa vào dự án bên trong. Sau khi dư luận phản ánh, chính quyền địa phương lập biên bản, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đã tháo dỡ ống cống, khơi lại dòng chảy cho suối Tiên.
Từ đó, quả đồi này tạm ngưng hoạt động đào múc, vận chuyển đất. Đến nay, doanh nghiệp lại tiếp tục cho máy múc đào xới và xe ben vận chuyển đất phục vụ việc san lấp trong công trình của dự án khiến dư luận thắc mắc về tính pháp lý của đơn vị thực hiện việc đào xới quả đồi này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen cho biết: “Công ty thực hiện có giấy phép hoạt động, hiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên có gì các anh làm việc với chính quyền địa phương chứ không trao đổi qua điện thoại” – người này thông tin.
Luật sư Nông Minh Đức, đoàn luật sư TP HCM, cho biết: “Theo quy định tại điều 54 Luật Khoáng sản thì việc khai thác khoáng sản phải có giấy phép. Trường hợp khai thác mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 36/2020”.
Nhìn nhận theo khía cạnh khác, việc đào xới, vận chuyển đất tại quả đồi này làm biến dạng, ảnh hưởng đến môi trường là điều không tránh khỏi.
“Theo quy định chung, mọi dự án trước hết phải xem tính pháp lý có đủ điều kiện xây dựng đầu tư hay chưa, bản vẽ thiết kế các hạng mục xây dựng của dự án thế nào… Nếu có giấy phép hoạt động thì xem xét khu đồi này có nằm trong dự án được phê duyệt hay không? Và quy mô, mức độ, khối lượng san lấp trong dự án được cấp phép khai thác là bao nhiêu; có phù hợp với các trường hợp quy định pháp luật hay không…” – luật sư Đức giải thích.
Một số hình ảnh ghi nhận quả đồi bị doanh nghiệp đào xới biến dạng khiến dư luận thắc mắc:
Cận cảnh quả đồi bị đào xới biến dạng.
Quả đồi bị múc biến dạng phục vụ cho dự án
Sau khi dư luận phản ánh, doanh nghiệp đã múc phá cống (đã lấp trước đó) trả lại dòng chảy cho Suối Tiên.
Đình Thi – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Theo lãnh đạo huyện Đạ Huoai, việc múc quả đồi này do nhu cầu cải tạo đất.
Xem bài viết gốc tại đây: