Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư phản ánh của người dân xã Hòa Bắc, huyện Di Linh phản ánh việc các đơ vị khai thác cát trái phép tại lòng hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, xe quá khổ quá tải ngày đêm cày nát đường liên thôn đi vào khu vực lòng hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi cùng với đó là khói bụi do xe chở cát thường xuyên qua lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
Để tìm hiểu phản ánh của người dân những ngày đầu tháng 11 năm 2020, phóng viên báo TN&MT đã có mặt tại xã Hòa Bắc, theo quan sát của phóng viên con đường đi vào khu vực lòng hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi đã xuống cấp nghiêm trọng, ổ voi, ổ trâu xuất hiện suốt gần 4 km, có điểm xe ô tô khó đi qua được do hằn sâu vết bánh xe tải. Đặc biệt chỗ gần chốt trạm kiểm lâm đường lầy lội chỉ có xe tải hạng nặng mới qua được đoạn đường này. Mặc dù con đường này có chỗ quy định là cấm xe ô tô 5 tấn qua lại nhưng vẫn cõng trên mình những xe tải hang chục tấn.
Trên đường vào khu vực khai thác cát tại lòng hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi chúng tôi bắt gặp 2 chiếc xe cỡ 30 – 40 tấn đang vận chuyển cát ra ngoài. Còn tại khu vực bãi tập kết khoáng sản thì cát được tập kết thành núi, có 1 máy múc cỡ lớn đang múc cát lên xe tải. Khu vực lòng hồ các tàu hút cát không biển hiệu, không rõ thông tin số hiệu tàu đang chạy hết công suất để hút cát.
Ông N.Q – người dân thôn 11 cho biết, người dân sống trong khu vực này bức xúc trước việc xe tải chở cát ngày đêm cày xới con đường, không những thế việc xe chở cát thường xuyên qua lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần phản ánh tới UBND xã nhưng đều không có kết quả gì. Theo ông Quý người dân nơi đây đã có lần phải dựng chốt chặn để cấm xe tải qua lại. Sau đó, thấy các đơn vị khai thác cát có sửa đường, nhưng họ chỉ đổ đá để xe tải dễ qua lại hơn, cũng theo ông Quý việc sửa chữa lâu rồi cũng không được các đơn vị thực hiện.
Còn theo một nhân viên quản lý rừng cho biết, tình trạng hút cát trên lòng hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi xảy ra thường xuyên và liên tục, tiếng máy nổ của tàu hút cát lẫn tiếng xe tải chở cát ngày đêm gào rú trong khu rừng. Ông cũng cho biết có ngày 5-7 chiếc xe, đi thành đoàn thường xuyên ra vào để vận chuyển cát. Ông buồn rầu chia sẻ, việc đi lại của lực lượng kiểm lâm giờ vất vả, khó khăn nhiều do đường hư hỏng, nhất là vào mùa mưa, bão. Cùng với đó từ khi có các đơn vị khai thác cát thì chốt kiểm lầm thường xuyên phải cử một nhân viên ở lại để trông coi tài sản nên khó khăn trong việc tuần tra kiểm soát rừng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại trên lòng hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi đang có 2 đơn vị khai thác cát hoạt động là Công ty TNHH Tiến Phong và DNTN Lê Tám. Cả 2 đơn vị này đều được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép nạo vét lòng hồ và tận thu khoáng sản. Trong đó với Công ty TNHH Tiến Phong giấy phép hoạt động đã hết hạn vào ngày 9/9/2020 còn với DNTN Lê Tám giấy phép cũng chỉ còn đến ngày 17/11/2020.
Vết hằn sâu bánh xe tải chở cát đi qua con đường |
Để khai thác cát, các doanh nghiệp đã đóng tàu hút cát cỡ lớn. Mỗi ngày, 2 đơn vị này khai thác hang trăm m3 cát tại lòng hồ Thủy điện rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, việc nạo vét lòng hồ Thủy điện hầu như không diễn ra.
Cũng theo thông tin chúng tôi có được liên tiếp trong năm 2018, 2019 Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Di Linh đã có lập các đoàn kiểm tra, làm việc với các đơn vị này về việc đăng ký đang, đăng kiểm số lượng phương tiện thiết bị, chủng loại tàu và các mốc độ, vị trí nạo vét tận thu khoáng sản, không kiểm soát được khối lượng khoáng sản tận thu cũng như nghĩa vụ tài chính. Đặc biệt, các đơn vị này hoạt động khi vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường.
Làm việc với chúng tôi ôn Đặng Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, việc phản ánh của người dân về tuyến đường là đúng. Xã cũng đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về vấn đề này và cũng đã có văn bản gừi UBND huyện, cũng như yêu cầu các đơn vị tu sửa đường. Tuy nhiên, năm 2020 do thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về chấn chỉnh các đơn vị khai thác này nên xã cũng chưa yêu cầu được các đơn vị tu sửa đường.
Khi chúng tôi trao đổi lãnh đạo địa phương có biết hiện nay đơn vị còn hút cát hay không thì ông Đặng Văn Lợi cương quyết là các đơn vị đang bị đình chỉ nên việc hút cát đã không còn chỉ có việc vận chuyển cát cũ đi tiêu thụ, khi chúng tôi cung cấp bằng chứng việc hút cát vừa diễn ra thì ông trả lời để UBND xã kiểm tra lại. Ông Lợi cũng cho biết việc khai thác khoáng sản trên địa bàn xã ông không nắm được do đây là các đơn vị đã được tỉnh cấp phép, xã chỉ phối hợp với các phòng chức năng của huyện để kiểm tra, kiểm soát theo định kỳ. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu cung cấp nội dung biên bản kiểm tra, kiểm soát cũng như làm việc với các đơn vị trong năm 2020, về vấn đề này thì ông Lợi nói không có.
Tàu hút cát vẫn ngang nhiên hoạt động |
Tại buổi làm việc với bà Trần Thị Bích Liên, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Di Linh, bà Liên rất bất ngờ khi chúng tôi cung cấp hình ảnh tàu hút cát trên lòng hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi.
Theo bà Liên, cả hai đơn vị này đang bị đình chỉ hút cát để khắc phục kết luận của UBND tỉnh Lâm Đồng, huyện cùng các đơn vị chức năng trong năm 2020 đã 7 lần đến kiểm tra tại đây nhưng đều không phát hiện bất kỳ hoạt động khai thác cũng như vận chuyển cát.
Tuy nhiên, khi chúng tôi nhiều lần đề nghị cung cấp những văn bản làm việc thì bà đều lấy lý do để không cung cấp. Bà Liên cũng cho biết thêm do lực lượng của Phòng TN&MT mỏng nên việc kiểm soát khai thác cát tại lòng hồ vẫn chủ yếu nhờ xã Hòa Bắc là chính. Theo bà Liên UBND xã là đơn vị quản lý nhà nước cơ sở nên phải có trách nhiệm chính trong vấn đề này.
Chúng tôi đề cập về tàu lạ không số khai thác cát trên lòng hồ bà Liên khẳng định đây là tàu của 2 doanh nghiệp Lê Tám và Tiến Phong. Còn việc trả lời của doanh nghiệp với chúng tôi thì Phòng TN&MT sẽ kiểm tra lại.
Máy múc cỡ lớn được sử dụng |
Như vậy việc UBND xã Hòa Bắc và Phòng TN&MT huyện Di Linh đang có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong công tác quản lý khoáng sản trên lòng hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi. Mặc dù ngày 06/11/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn yêu cầu xử lý triệt các sai phạm tại dự án nạo vét lòng hồ tận thu khoáng sản tại địa bàn này nhưng đến nay các đơn vị đều không thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên.
Xe tải cỡ lớn ngang nhiên chở cát trên đường |
Tài nguyên khoáng sản vẫn ngày đêm bị tận thu, đường sá vẫn mỗi ngày hư hỏng nặng, còn người dân thì vẫn chỉ biết chịu đựng sự bất lực của chính quyền. Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Quốc Đạt – Báo TNMT
Theo Tài nguyên & Môi trường
Ảnh: Người dân khó khăn khi đi quan con đường hư hỏng nặng
Xem bài viết gốc tại đây: