Làm cho thế giới sạch hơn không phải việc gì to tát mà chỉ đơn giản là bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất từ chính ngôi nhà và môi trường sống xung quanh mình.
Ngày 18-9-2021, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn VN) đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội và Mầm nhỏ tổ chức Tọa đàm “Làm sạch từ gia đình” nhằm hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” (Clean Up the World) và ngày quốc tế “Không khí sạch cho bầu trời xanh”.
Tọa đàm có sự tham gia chia sẻ của 4 khách mời khá đặc biệt, đều là những người phụ nữ và họ có mối quan tâm chung: làm thế nào để bảo vệ môi trường sống. Đó là chị Đỗ Vân Nguyệt – người sáng lập và giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), chị Minh Trang (Trang Moon) – Người dẫn chương trình của đài truyền hình, người sáng lập dự án Mầm nhỏ – dự án nuôi dạy con trong gia đình, chị Lê Thị Huế – Trưởng thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh đồng thời là trưởng nhóm phân loại và xử lý rác tại thôn, chị Đặng Hồng Chúc – hội viên hội Phụ nữ thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.
Như chúng ta đã biết, trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta càng phải quan tâm đến sức khỏe, lối sống, các tác động của con người đến môi trường và ngược lại.Ngày Làm sạch thế giới năm 2021 được phát động và đang lan tỏa ra khắp các quốc gia trên thế giới với câu chủ đề của chương trình là “Không có hành tinh thứ 2”. Chúng ta chỉ có thể sống trên Trái Đất, vì vậy, chúng ta cần làm sạch chính nơi sống của mình. “Chúng ta cần làm sạch bằng hành động” chứ không phải từ suy nghĩ việc làm sạch môi trường là trách nhiệm của những người khác.
Đô thị phát triển mạnh cùng với thói quen sinh hoạt hiện đại đang làm phát sinh hàng ngày một lượng rác thải khổng lồ. Lượng rác thải nhựa chúng ta thải ra trong 10 năm nay đã tăng lên gấp 10 lần. Nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng, khoảng hơn 50% rác thải nhựa chưa được xử lý. Việt Nam là quốc gia đứng trong nhóm 5 quốc gia đứng đầu về phát thải nhựa.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã và đang gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe, làm trầm trọng các bệnh về đường hô hấp. Chất lượng không khí ở các quận huyện đang vượt quá QCVN, những khu vực ô nhiễm nhất là các khu vực đang nằm trong vùng đỏ trong bản đồ phân vùng covid. Rõ ràng, có sự liên hệ giữa thiên nhiên và sức khỏe con người. Chúng ta muốn bảo vệ sức khỏe của mình, chúng ta cần bảo vệ môi trường. Nếu chất lượng không khí Hà Nội đạt chuẩn, tuổi thọ của chúng ta sẽ tăng lên hơn 2 năm.Các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí như đốt rơm rạ, rác. Việc đốt rác, đặc biệt là các loại nhựa nguy hại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Đỗ Vân Nguyệt – người sáng lập và giám đốc Live&Learn đã chia sẻ tổng quan về vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta càng phải quan tâm đến sức khỏe, lối sống và các tác động của con người đến môi trường. Theo chị Vân Nguyệt, hàng ngày, chúng ta chỉ việc bỏ rác vào thùng và nghĩ rằng nhà mình đã sạch rồi. Tuy nhiên, để làm cho môi trường sống của mình sạch hơn thì như vậy là chưa đủ. Hiện tại, môi trường các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An đang quá tải do rác thải. Các phương pháp chôn lấp và đốt bỏ đang tạo áp lực cho môi trường. Chất thải nhựa lẽ ra sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành tái chế đang bị thất thoát vì không được phân loại và xử lý đúng cách. Phương pháp đốt chất thải đang góp phần làm bẩn bầu không khí.
Các nước ở châu Âu phát triển đã phân loại rác và chuyển các loại rác tái chế sang các nước ở châu Á như Việt Nam, Trung Quốc. Vô tình chung chúng ta trở thành nơi xử lý rác cho thế giới. Vì vậy chúng ta cần phân loại và xử lý rác từ nhà của mình, tận dụng lượng rác thải tại chính địa phương. Chị Vân Nguyệt đưa ra thông điệp 5K môi trường: Không tạo thêm rác, không đốt, không lãng phí năng lượng, Không tiêu thụ động vật hoang dã, góp phần làm sạch không khí và tạo không gian sạch. Chúng ta cần thay đổi từ thói quen cá nhân và lựa chọn giải pháp phù hợp với địa phương.
Đáng mừng, hiện nay nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai các mô hình xử lý rác thảt, bảo vệ môi trường. Tại Đông Anh – Hà Nội, người dân đang tiến hành phân loại và xử lý rác hữu cơ. Lượng rác chuyển đến bãi chôn lấp và đốt bỏ giảm 50-70%. Nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội đang áp dụng các giải pháp giảm rác và giảm đốt rơm rạ, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, đen lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Chị Minh Trang, một người dẫn chương trình đài truyền hình và người sáng lập dự án Mầm nhỏ chia sẻ, chị đã tự tìm tòi cách phân loại và tái chế tại nhà với các các tips sống xanh vừa giúp xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, vừa giáo dục trẻ em biết yêu và bảo vệ môi trường. Việc phân loại và tái chế rác giờ đã trở thành thói quen của gia đình chị. Các lõi giấy, giấy được tái chế thành đồ chơi cho các em bé trong gia đình. Rác thực phẩm, đồ ăn thừa tại nông thôn thường được dùng làm thức ăn cho gia súc và gia cầm. Ngoài ra, rác nhà bếp như rau củ quả thừa cũng có thể ủ trong các thùng sơn, thùng xốp với chế phẩm vi sinh để tạo thành phân bón hữu cơ cho cây. Chị Trang gợi ý các gia đình ở thành thị có thể xử lý rác hữu cơ trong các thùng ủ nuôi giun hoặc các máy ủ phân bằng nhiệt. Đối với rác tái chế, các hộ gia đình có thể liên hệ với các doanh nghiệp thu gom như Mgreen, GreenLife, Lagom…
Dự án mầm nhỏ của chị Minh trang bắt đầu từ chính ngôi nhà của chị xong lại đang được lan toả rộng rãi trong cộng đồng, thu hút sự chú ý và tham gia của các gia đình trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ cách yêu quý và bảo vệ môi trường.
Chị Lê Thị Huế – Trưởng thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh cho biết, sau khi được đi tập huấn về cách phân loại và xử lý rác, chị đã cùng nhóm phân loại và xử lý rác tại thôn triển khai tuyên truyền, hướng dẫn chính các thành viên trong gia đình và bà con tại địa phương tái chế rác hữu cơ thành phân bón vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hoạt động tuyên truyền vận động và hướng dẫn người dân tham gia phân loại rác gặp nhiều khó khăn, nhất là những ngày đầu, bà con chưa hiểu được ý nghĩa và cách làm. Bí quyết của chị là tuyên truyền mọi lúc mọi nơi, lồng nội dung về phân loại, tái chế rác thải trong các buổi họp thôn, các hội nghị tại cơ sở hoặc chia sẻ trong các nhóm zalo. Đến nay một bộ phận khá lớn người dân thôn Nghĩa Vũ đã duy trì được thói quen phân loại và tái chế rác.
Chị Đặng Hồng Chúc Chúc – hội viên hội Phụ nữ thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn cho biết hiện nay nhiều hộ gia đình trong thôn đã biết cách dùng chế phẩm vi sinh để xử lý nguồn rơm rạ cũng như các phụ phẩm trong nông nghiệp làm thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh trên những cánh đồng còn giúp giảm được khối lượng thuốc trừ sâu và phân bón xuống chỉ còn một nửa so với trước mà năng suất lại tăng lên.
Câu chuyện phân loại và xử lý rác tại nhà và hướng dẫn bà con cùng thực hiện của chị Lê Thị Huế – trưởng thôn Nghĩa Vũ, huyện Đông Anh hay việc áp dụng các kiến thức đã học để tái sử dụng rơm rạ làm phân bón của chị Hồng Chúc đã góp phần lan tỏa thông điệp và sự quyết tâm bảo vệ môi trường từ cộng đồng. Để môi trường sống của chúng ta tốt hơn, sự chung tay của tất cả cá nhân là rất cần thiết. Làm cho thế giới sạch hơn không phải việc gì to tát mà chỉ đơn giản là bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất từ chính ngôi nhà và môi trường sống xung quanh mình.
Hà Thắm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Chị Minh Trang cùng con gái với các sản phẩm thâm thiện với môi trường trong Dự án Mầm nhỏ