Kinh nghiệm phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam là hội thảo trực tuyến vừa được tổ chức ngày 25/11 bởi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).
Tại hội thảo, ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển điện sinh khối, tuy nhiên, việc khai thác các nguồn tài nguyên sinh khối này còn những bước hạn chế nhất định. Thống kê cho thấy, trong năm 2020, công suất lắp đặt toàn quốc đạt gần 75.000 MW, nhưng điện sinh khối công suất lắp đặt ghi nhận chiếm chưa đến 1%, điện năng thương phẩm đưa lên lưới chỉ hơn 0,1%. Đây là con số rất nhỏ so với tiềm năng phát triển của điện sinh khối của Việt Nam…
Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhưng cho đến nay tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện sinh khối vẫn còn rất nhỏ trong tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện tại Việt Nam. Do vậy, để phát triển mạnh mẽ nguồn điện sinh khối, Việt Nam cần những giải pháp tốt hơn để khuyến khích các nhà đầu tư.
Tham dự hội thảo, ông Mathias Eichelbronner – chuyên gia quốc tế về năng lượng sinh khối (GIZ) đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn năng lượng sinh khối tại một số quốc gia trên thế giới. Điển hình như việc đầu tư sản xuất điện từ bã mía giúp chi phí sản xuất mía đường ở Thái Lan thấp hơn chi phí ở Việt Nam, bởi lẽ họ dùng bã mía để sản xuất điện, sẽ giảm chi phí năng lượng của họ. Như vậy, với mỗi tấn đường sẽ lợi thế hơn về giá bán.
Chia sẻ từ chuyên gia của GIZ cho thấy, cơ chế giá FIT (một giá) ở Việt Nam hiện tại chưa đủ hấp dẫn và chỉ có thể khuyến khích những công nghệ điện sinh khối có hiệu suất thấp. Do đó, Việt Nam phải tính tới giai đoạn 10-20 năm tới, với những công nghệ hiện đại hơn, công suất lớn hơn để đáp ứng hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, để phát triển điện sinh khối, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ người dân vùng nguyên liệu, cơ giới hóa, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển một nền năng lượng các bon thấp.
Điện sinh khối (biomass power) là việc sử dụng sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng. Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ v.v…), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm…
Trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14 – 15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải từ nông nghiệp, rác, nước thải đô thị… phân bổ rộng khắp trên toàn quốc, trong đó, một số dạng sinh khối có thể sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt). Lượng sinh khối khổng lồ này, nếu không được xử lý sẽ là nguồn ô nhiễm lớn và phát sinh liên tục, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái (đất, nước và không khí) cũng như sức khỏe con người. Hằng năm, tại Việt Nam có gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện.
Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển điện sinh khối cả trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, số các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động tính đến thời điểm này vẫn còn quá ít và chỉ có vài dự án là điện sinh khối nối lưới, việc đầu tư mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của quốc gia.
Với kinh nghiệm từ Đức, hy vọng có thể đẩy mạnh phát triển được lĩn vực điện sinh khối của Việt Nam
Lâm Hà
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển điện sinh khối cả trong hiện tại và tương lai. Ảnh: ITN