Giữa cái nắng nóng mùa hạ, hàng chục ngàn người dân sống tại các khu xử lý rác phải khốn khổ bởi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ruồi, nhặng, gián, chuột, giòi bọ bu đầy bãi rác rồi kéo nhau ‘quấy phá’ nhà dân. Người dân phải gánh các loại bệnh tật vì ô nhiễm, khủng hoảng tinh thần khiến cuộc sống của họ không khác gì ‘địa ngục trần gian’.
Những người khốn khổ
Suốt bao năm nay, những người dân thôn Đồng Lá (Hoành Bồ, Quảng Ninh) phải chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường, sống chung với mùi hôi thối, ruồi nhặng… từ bãi rác của Trung tâm xử lý chất thải rắn Công ty Cổ phần Tập đoàn Indevco (Indevco). “Ông Hoàng Văn Hải, đại diện người thôn Đồng Lá ức chế: “Khi mưa, nước rác thải tràn xuống khu dân cư mới là nỗi ám ảnh kinh hoàng”, Ruồi nhặng nhiều như trấu, chỉ cần vài phút đặt bẫy dính ruồi là ruồi không còn chỗ mà đậu”.
Người dân ở gần bãi rác luôn “cửa đóng then cài” 24/24h để tránh những cơn gió mang mùi hôi xộc vào nhà. Sinh hoạt hằng ngày của người dân bị đảo lộn, nhiều hộ kinh doanh cũng phải đóng cửa vì khách không dám ngồi ăn. Bức xúc về ô nhiễm môi trường, nguồn nước ăn, khí bụi khi tập đoàn thi công san gạt, nhất là vào mùa mưa bão bùn đất cuốn trôi xuống vườn là tâm trạng của người dân nơi đây.
20 năm qua người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn – điểm tập kết rác lớn nhất Hà Nội khi mỗi ngày tiếp nhận 4.000 tấn rác với núi rác cao hơn 40 mét, rộng hàng chục ha đã phải trải qua thời gian dài đằng đẵng sống chung với những mùi hôi thối từ bãi rác khủng khiếp.
Khu vực bãi rác bốc mùi nồng nặc; các xe chở rác bị ùn ứ, đỗ hàng dài ngoài đường làm rò, rỉ nước rác bốc mùi hôi thối dọc tuyến đường từ đường 35 đi Bắc Sơn, nhất là tại khu vực thôn 2, xã Hồng Kỳ gây tiếng ồn, bốc mùi ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân;
Quanh năm suốt tháng ăn nằm cạnh bãi rác, sống cạnh đống chất thải từ nội đô ùn ùn đổ ra mỗi ngày, người dân sống gần bãi rác Nam Sơn đã phải chịu cảnh ăn cơm chung với ruồi nhặng và những mùi hôi thối, sinh sống với nỗi lo về sức khỏe. Ô nhiễm môi trường trầm trọng, đặc biệt là môi trường nước không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, kinh doanh ở địa bàn huyện Sóc Sơn.
“Ngày nào cũng ngửi mùi thối, chúng tôi như muốn long đầu óc. Chúng tôi bao năm ăn không ngon, ngủ không yên khi bị bãi rác thải… tấn công” – ông Nguyễn Văn B, người dân xã Hồng Kỳ than.
Từ cổng chính của máy xử lý rác hơn 32 tỷ đồng tại xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đến bãi rác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Bãi rác được chất thành đống cao, sau đó, rác được máy xúc đẩy vào lò đốt, khói theo hướng gió bay mù mịt, bốc mùi hôi thối, khét lẹt từ những túi nilon cháy.
Đáng chú ý, nhiều mặt bằng khu dân cư mới được xã Hoằng Trường quy hoạch nằm cách bãi rác chỉ chừng 300m, khu trường học, trường mầm non, trạm y tế xã, khu tượng đài các cụ lão dân quân Hoằng Trường chỉ cách bãi rác hơn 500m. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất hàng ngày của các hộ người dân xung quanh.
Hàng ngày có các chiếc xe rác đi qua đây, ngoài bụi bặm ra, mùi hôi của rác, nước thải từ các xe chứa chảy xuống đường cực kỳ ô nhiễm. Đặc biệt là những ngày mưa xuống, nước thải chảy vương vãi khắp đường, trơn trượt, vừa bẩn vừa nguy hiểm. Những ngày nắng còn đỡ, nhưng vào ngày mưa, gió nồm thì mùi hôi lại bốc lên nặng hơn. Những ngày mưa, nước thải ở bãi rác theo nước mưa đen kịt chảy ra ruộng của người dân làm ảnh hưởng đến rau màu.
Người dân không ăn rau màu thì không được mà ăn vào thì lo ngay ngáy ngộ độc thực phẩm. Chịu đựng mùi hôi thối, ô nhiễm thực phẩm, kinh hãi hơn, người dân nơi đây còn bị tra tấn bởi lũ ruồi nhặng bay khắp nhà. Các cây trong vườn người dân chi chít nhặng xanh. Người dân cứ vài ngày bỏ tiền túi mua thuốc diệt ruồi, nhặng. Phun thuốc, ruồi nhặng chết quét lại thành đống. Người dân lại hít thêm chất độc hại của thuốc diệt côn trùng.
Khu xử lý chất thải rắn nằm ở thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng là nơi kinh hoàng của người dân. Cũng như người dân bãi rác Nam Sơn (Hà Nội), nhiều hộ dân ở thôn Nam Phước không ít lần chặn xe chở rác vì khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy gây ô nhiễm.
Khu xử lý chất thải rắn ở thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế được xây dựng từ năm 2008 trên diện tích khoảng 27ha, đến năm 2011 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Khu xử lý chất thải rắn này thu gom, xử lý rác thải của 18 xã, thị trấn của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế với công suất khoảng 135 tấn rác/ngày.
Theo phản ánh của nhiều hộ dân, thời gian gần đây, khu xử lý chất thải này đã quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng làm đảo lộn cuộc sống của bà con. Cứ ngửi thấy mùi rác, người dân nơi đây lại nôn mửa. Tới bữa cơm, người dân phải xịt nước hoa chống mùi và mắc màn để tránh ruồi, nhặng. Bà Trương Thị Phú, ở gần khu xử lý chất thải này bức xúc: “Ngày mô cũng hôi hết, đêm cũng hôi, ngày cũng hôi. Ở nhà mà phải đóng cửa giống như không có người rứa, ở phía sau thôi phải đóng cửa trước hết”.
Cũng lâm vào cảnh “sống trong địa ngục trần gian” suốt hơn 10 năm qua là người dân sống gần khu xử lý rác thải Đa Phước (TP HCM) luôn phải đối mặt với sự ô nhiễm nghiêm trọng, bị hành hạ bởi mùi hôi của rác thải, ruồi nhặng bu khắp nơi. Khốn khổ là vậy nhưng người dân chỉ biết chịu đựng trong sự bất lực.
Khu xử lý rác thải Đa Phước chính là nơi xử lý khoảng 60% lượng rác của TP HCM tới thời điểm hiện tại. Nơi này được cấp phép và hoạt động từ năm 2007, cũng từ đó đến nay, người dân sống gần khu vực này rơi vào cảnh “khó ở” vì mùi hôi thối.
Bà Lê Thị T, người dân sống gần khu xử lý rác thải Đa Phước bức xúc: “Đang sống yên lành, bỗng dưng nhà máy xử lý rác lù lù xuất hiện ở khu dân cư chúng tôi. Mấy năm nay, chúng tôi sống ở nhà mình mà chẳng khác gì sống ở giữa bãi rác khổng lồ. Mùi xú ế, ruồi nhặng bay tứ tung, chuột bọ bò lổm ngổm, rau màu bị ô nhiễm thế này, chúng tôi làm sao ăn uống nổi. Sống thế khác gì… sống mòn, sống lay lắt”.
Hàng chục ngàn người dân sinh sống ở Phú Mỹ Hưng, Nhà Bè, quận 6, quận 8 TP HCM bị ảnh hưởng từ bãi rác khu Đa Phước. Trên các trang facebook cá nhân, diễn đàn các nhóm dân cư nhiều người dân tại các khu dân cư như: Happy Vallay, Chateau, Riviera Point, Lacasa, Mỹ Thái 2, Cảnh Viên, Era Town, Bellaza… (quận 7); Phú Hoàng Anh, Hoàng Anh An Tiến, Hoàng Anh Gia Lai, Silver Star – Hưng Phát… (Nhà Bè) cùng các khu dân cư Trung Sơn, hạnh Phúc ở Bình Chánh, quận 8, Phú Mỹ Hưng đều cùng nhau lên tiếng phản đối mạnh mẽ về tình trạng mùi hôi thối này.
Xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến và tái định cư cho người dân
Trên thực tế, tại các khu xử lý bãi rác, lượng rác ngày càng nhiều, trong khi xử lý rác còn hạn chế. Bãi rác càng ngày càng chất cao, phình to, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đó là lý do người dân mong muốn được di dời sớm. Thế nhưng, thực tế việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù để những người dân còn sống quanh các bãi rác tái định cư khiến người dân bức xúc.
Hàng chục ngàn người dân ở các khu xử lý rác mong mỏi chính quyền sớm có giải pháp để trả lại bầu không khí trong lành cho người dân nơi đây.
Các nhà máy xử lý chất thải cần thực hiện đầy đủ quy trình xử lý rác thải, nhất là các biện pháp xử lý khí thải; thực hiện ngay việc thu gom, xử lý nước rỉ rác; sử dụng bạt che phủ rác chưa kịp xử lý để hạn chế mùi hôi, nước rỉ rác ra môi trường.
Các nhà máy cần bố trí các khu vực tiếp nhận chất thải di động ở vị trí phù hợp để hạn chế khuếch tán mùi; mua sắm, nhập khẩu thêm một số máy móc chuyên dụng, máy khử mùi, sử dụng cánh quạt có hơi nước đẩy mùi; làm các nhà kính ở các ô đang chôn lấp rác, phun xịt thêm hóa chất thân thiện với môi trường để khống chế mùi… đổi mới công nghệ xử lý rác để đảm bảo môi trường; điều chỉnh thời gian xử lý chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày, sử dụng cánh quạt có hơi nước đẩy mùi; làm các nhà kính ở các ô đang chôn lấp rác…
Các nhà máy xử lý rác cần dừng tiếp nhận rác thải của các xã, huyện không nằm trong vùng quy hoạch của dự án để bảo đảm xử lý triệt để lượng rác tồn đọng, phù hợp công suất xử lý của nhà máy.
Các tỉnh, thành phát triển việc xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến như đốt rác thải chuyển thành năng lượng, triển khai đồng bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, người dân mong mỏi các cơ quan chức năng giải quyết nhanh các vấn đề liên quan bảo hiểm y tế cho người dân tại khu vực này; lên phương án bảo đảm nước sạch cho khu vực bị ô nhiễm, chi trả các khoản tiền đền bù thiệt hại cho người dân.
Các nhà máy rác gần khu dân cư cần di dời sớm đi nơi khác để đảm bảo không gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Nếu không, nguyện vọng của các hộ dân là phải được sớm chuyển đi nơi ở. Mức hỗ trợ, đền bù cho đất thổ cư và đất liền kề sẽ được thực hiện ở mức tốt nhất theo cơ chế, chính sách, quy định hiện hành. Tái định cư đổi sang diện tích đất tương đương để đảm bảo quyền lợi và cuộc sống người dân trên cơ sở tôn trọng quy định pháp luật, bảo đảm nhất quán, công bằng, công khai, minh bạch về chính sách, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách của Nhà nước.
Theo Pháp Luật VN
Ảnh: Bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) chất cao như núi gây ô nhiễm trầm trọng.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://baophapluat.vn/kinh-hoang-nguoi-dan-bi-bua-vay-trong-rac-post397196.html