Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2018.
Theo kết luận thanh tra, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác tài nguyên khoáng sản và đầu tư xây dựng tại Thái Nguyên giai đoạn 2010-2018 còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Cụ thể, đối với quản lý, sử dụng đất đai, TTCP cho rằng chất lượng của tổ công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn thấp; kế hoạch sử dụng đất, triển khai một số công trình, dự án phát sinh nằm ngoài quy hoạch dẫn đến một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Bên cạnh đó, một số dự án, công trình có trong quy hoạch nhưng không có nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư thực hiện chậm do khó khăn về tài chính, giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tình trạng sử dụng đất sai với quy hoạch, kế hoạch được duyệt vẫn còn xảy ra.
Việc giao đất thực hiện một số dự án khu dân cư, khu đô thị – thương mại – dịch vụ không qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất diễn ra thời gian dài nhưng chậm được phát hiện để khắc phục, sửa sai.
Đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh Thái Nguyên chưa kịp thời điều chỉnh khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho phù hợp với kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 – 2020 theo văn bản ủy quyền của Thủ tướng năm 2014. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh và cơ quan tham mưu là Sở TN&MT giai đoạn 2016-2018.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản giai đoạn từ năm 2010-2020 không xác định diện tích, tọa độ và không lập phê duyệt bản đồ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh các giai đoạn; không thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 160/2005 và Nghị định số 15/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoáng sản 1996 (sửa đổi 2005) và Luật Khoáng sản 2010. Trách nhiệm chính thuộc về Sở Công Thương.
Trong giai đoạn từ năm 2010-2018, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 38 dự án do UBND tỉnh cấp giấy phép đã hết thời hạn nhưng còn 15/38 mỏ chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ là chưa đúng quy định tại Điều 73 Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, trong số 15 mỏ hết thời hạn có 2 mỏ đã được cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản, 5 mỏ đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng để được cấp lại giấy phép. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở TN&MT, Cục thuế tỉnh giai đoạn 2010-2018.
Đối với đầu tư xây dựng, việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công vẫn còn sơ sài về nội dung, báo cáo thẩm định chưa phân tích và làm rõ được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Việc áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng còn hạn chế, mặt khác tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu còn thấp (đạt 3,88%).
Một số gói thầu tư vấn khảo sát khi lựa chọn nhà thầu (chỉ định thầu) chưa phù họp với kế hoạch đấu thầu. Việc đánh giá và thẩm định hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất trong việc lựa chọn nhà đầu tư (dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP) còn mang tính hình thức, không đủ thời gian để thẩm định các nội dung của báo cáo dẫn tới việc phê duyệt còn nhiều tồn tại, nhất là các dự án BT và dự án khác, vốn vay của nhà đầu tư chưa chính xác. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, chủ đầu tư và các sở, ban, ngành có liên quan.
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện một số nội dung, cụ thể:
Đối với UBND tỉnh Thái Nguyên, tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh và khắc phục triệt để những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản đã nêu trong kết luận thanh tra.
Xử lý đối với một số tồn tại, hạn chế, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân gồm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, TN&MT, Xây dựng, Công Thương, Cục thuế, Ban quản lý Khu công nghiệp, Ban quản lý các công trình giao thông tỉnh, Ban quản lý đầu tư xây dựng TP Thái Nguyên, Ban Sông Cầu, UBND TP Thái Nguyên, UBND TP Sông Công, UBND huyện Đại Từ qua các thời kỳ đối với các vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra để nghiêm túc kiểm điểm, có hình thức xử lý phù hợp, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Đoàn Bổng – Báo VietnamNet
Theo VietnamNet
Ảnh: Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Điềm Thụy – Khu B phê duyệt giá đất thô chưa có cơ sở hạ tầng để cho thuê của UBND tỉnh là chưa đúng quy hoạch chi tiết. Ảnh: Kland.vn
Xem bài viết gốc tại đây: