Kiên Giang: Xử lý rác thải hữu cơ bằng ruồi lính đen

(Phapluatmoitruong.vn) – Mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen đã được thầy trò trường THCS Hòa Thuận 2, huyện Giồng Riềng ứng dụng thành công.

Theo thầy Nguyễn Thanh Nhân, giáo viên Vật lý – Công nghệ – Tin học trường THCS Hòa Thuận 2, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, hiện nay, xử lý rác thải hữu cơ ngay tại các cơ quan và nhà ở hộ gia đình nhằm giải quyết lâu dài tình trạng ô nhiễm môi trường là vấn đề rất cấp thiết. Hàng ngày, mỗi gia đình đều có một lượng không nhỏ rác thải hữu cơ và các loại thực phẩm dư thừa, nếu xử lý không tốt, chúng sẽ bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người và cả mỹ quan đô thị.

Một trong những phương pháp đơn giản, hiệu quả có thể áp dụng là dùng ấu trùng ruồi lính đen (loài côn trùng không mang mầm bệnh, có khả năng chuyển hóa những vật chất hữu cơ thành một loại nguyên liệu dùng để chế tạo thức ăn cho động vật) để xử lý rác thải hữu cơ, đồng thời tái sử dụng phân của ấu trùng để bón cây trồng, rau màu, cho cá ăn… Mô hình này cũng góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình bằng cách kết hợp nuôi ấu trùng với các loại cây trồng vật nuôi, bởi ấu trùng trưởng thành có thể dùng làm thức ăn bổ dưỡng cho các loại vật nuôi như gà, vịt, cá…, mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế.

Lựa chọn ấu trùng giống.

Em Nguyễn Thanh Hùng, học sinh lớp 8A1 trường THCS Hòa Thuận 2, chia sẻ: Đầu tiên, chúng ta lựa chọn trứng ruồi lính đen, có thể tìm mua tại các trang trại giống, sau khi trứng nở ra thành ấu trùng thì giữ lại một ít ấu trùng để cho chúng đóng kén và thành ruồi trở lại. Những lần sau, chúng ta có thể tự nhân giống với số lượng vừa phải, phù hợp với lượng rác thải hàng ngày.

Nếu muốn xử lý rác ngay, ta có thể mua luôn ấu trùng ruồi lính đen đã trưởng thành về để áp dụng, qua đó rút ngắn được thời gian đóng kén tạo thành ruồi. Cách làm là lắp đặt máng nuôi ấu trùng (nơi xử lý rác thải) và nơi để ruồi đẻ trứng. Chúng ta cắt sắt V lỗ, cắt Alu, lắp ráp các máng nuôi, sau đó lựa chọn ấu trùng và tạo môi trường ban đầu để nuôi chúng”.

Lọc phân ấu trùng.

Cũng theo thầy Nhân, mô hình này có thể áp dụng rộng rãi từ cơ quan cho đến hộ gia đình, từ thành thị đến nông thôn, vừa mang lại lợi ích về môi trường vừa mang lại lợi ích về kinh tế. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, giáo dục ý thức tự giác về vấn đề chủ động phân loại rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định nhằm bảo vệ môi trường mà ta đang sống.

Trương Anh Sáng

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ấu trùng xử lý rác hữu cơ.