Kiên Giang: Tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả

Công tác tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2017  2020 đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Kiên Giang về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, từng ngành, địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, tạo chuyển biến về nhận thức từ trong nội bộ đến nhân dân, qua đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

Hiện nay, việc thực hiện lồng ghép các nội dung của cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã được nhiều huyện làm khá tốt. Hệ thống dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển mới, nhất là dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp, thú y, bảo vệ thực vật và thương mại cung ứng vật tư, cấp nước sạch, xử lý rác thải sinh hoạt.

Việc phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn cũng có chuyển biến tích cực theo định hướng cơ cấu lại sản xuất. Hàng năm, các địa phương và Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng trên 100 mô hình sản xuất. Mô hình ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Toàn tỉnh có 79/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 133,89 % chỉ tiêu Nghị quyết. Các chỉ tiêu nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 17,68 tiêu chí/xã, 80% đường liên ấp nhựa hóa, 99% hộ dân sử dụng điện an toàn, giải quyết việc làm từ 35.000 – 40.000 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 85%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 97,26% (đạt 108,06%).

Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường nông thôn có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề rác thải ở khu dân cư và cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp. Từ đó, thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt 46,2 triệu đồng/người năm, tăng 1,57 lần so với năm 2015, trong đó, thu nhập cao nhất là huyện Kiên Lương 57 triệu đồng, thấp nhất là huyện Hòn Đất và U Minh Thượng 42,1 triệu đồng.

Để đạt được kết quả đáng khích lệ nêu trên, trong giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh đã đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ. Các hợp tác xã nông nghiệp đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp thành viên giảm lượng giống gieo sạ, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, tăng năng suất làm lợi cho thành viên. Ngoài việc giúp giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, hợp tác xã còn giúp thành viên tiết kiệm được thời gian để tự tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập. Toàn tỉnh hiện có 1.044 trang trại (tăng 419 trang trại so với năm 2016), trong đó có 907 trang trại trồng trọt, 86 trang trại nuôi trồng thủy sản, 48 trang trại chăn nuôi và 7 trang trại tổng hợp, thu nhập bình quân một trang trại đạt 1.414,975 triệu đồng/năm.

Trong 03 năm thực hiện tái cơ cấu đã có 290 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp với tổng vốn đăng ký là 2.490 tỷ đồng; đặc biệt đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như: Công ty CP Trung Sơn nuôi trồng và chế biến thủy sản, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái liên kết sản xuất và tiêu thụ rau sạch…

Gương điển hình trong sản xuất – kinh doanh giỏi huyện Vĩnh Thuận.

Tỉnh cũng đã chủ động chỉ đạo thực hiện nâng cao hiệu quả đầu tư công, phát triển các dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản và áp dụng khoa học kỹ thuật; tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư xã hội; đồng thời chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn như: Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình nông thôn mới… để đầu tư trọng điểm cho các các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017 – 2020 ước khoảng 34.801 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 2.715,344 tỷ đồng, vốn các thành phần kinh tế 32.085,656 tỷ đồng.

Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, đến nay, toàn tỉnh đã có 21 sản phẩm nhãn hiệu tập thể chủ yếu có nguồn gốc từ nông nghiệp. Những sản phẩm này đang tham gia vào thị trường và được đánh giá cao như: khóm Tắc Cậu, khô cá Sặt rằn U Minh Thượng, gạo 01 bụi trắng U Minh Thượng… Riêng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm truyền thống nước mắm Phú Quốc tiếp tục được Cộng đồng châu Âu chấp nhận. Ngoài ra, toàn tỉnh có nhiều đối tượng nông thủy sản đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 01 mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế USDA tại Hợp tác xã Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh.

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước tăng trưởng khá, cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Các chương trình, đề án, dự án nông nghiệp tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh; diện mạo nông thôn có bước thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất và văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên; từng bước giảm dần khoảng cách thu nhập người dân thành thị và nông thôn.

Trương Anh Sáng

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Hội thảo mô hình sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập người dân.