Kiên Giang: Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển

Trong 5 năm qua, vận chuyển hành khách trên các tuyến từ bờ ra đảo tại Kiên Giang tăng trung bình từ 13- 15%/năm.

Hiện nay, tỉnh đã triển khai huy động nhiều nguồn vốn để phát triển hệ thống cảng trên địa bàn như: Cảng hàng khách quốc tế Phú Quốc, cảng Vịnh Đầm, cảng An Thới, cảng Rạch Giá. Hệ thống luồng vào các cảng được quan tâm, nạo vét thường xuyên, thuận tiện cho các phương tiện vận tải tiếp cận các cảng, bến.

Toàn tỉnh hiện có 15 đơn vị kinh doanh vận tải đang hoạt động trên 10 tuyến vận tải từ bờ ra đảo với 62 phương tiện hoạt động trên các tuyến (34 phương tiện cao tốc, 17 tàu phà chở được ô tô, 5 tàu sắt và 6 tàu gỗ), có 80 phương tiện hoạt động đưa khách tham quan du lịch quanh các đảo huyện Phú Quốc, Nam Du, Lại Sơn, Hòn Tre, Hòn Phụ Tử, Ba Hòn Đầm…

Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải, cảng biển Kiên Giang bao gồm 12 khu bến: Khu bến Hòn Chông, Bãi Nò, Bình Trị, Rạch Giá, Phú Quốc (gồm cảng An Thới, Vịnh Đầm, Dương Đông, Mũi Đất Đỏ, Bãi Vòng, Đá Chồng, Nam Du) và cảng Thổ Châu là cảng tổng hợp vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển; nâng công suất cảng Hòn Chông đảm bảo tiếp nhận các tàu đến 15.000 tấn; mở rộng không gian cảng Bãi Vòng (Phú Quốc). Các bến thủy nội địa trên các đảo Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Tiên Hải sẽ được cải tạo nâng cấp thành cảng thủy nội địa để tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn.

Với nhiều ưu thế về biển, hệ thống cảng biển và giao thông vận tải biển, kinh tế Kiên Giang hứa hẹn phát triển mạnh trong tương lai.

Trương Anh Sáng

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Trong tương lai, cảng Thổ Châu sẽ là cảng tổng hợp vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển.