(Phapluatmoitruong.vn) – Kiên Giang có nhiều tiềm năng để phát triển tất cả các ngành kinh tế, thuận lợi trong việc mở rộng liên kết, giao lưu kinh tế với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các nước trong khu vực.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Kiên Giang là một trong những vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng bậc nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy, tỉnh cần xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phát chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xác định các trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như kinh tế biển, xây dựng hạ tầng giao thông; tăng tỷ trọng dịch vụ với việc đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ du lịch chất lượng cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân.
Theo đó, trước hết, Đảng bộ tỉnh cần tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế theo chiều sâu, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế tự nhiên về nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tập trung xây dựng và quản lý tốt quy hoạch tổng thể không gian phát triển của tỉnh, phù hợp với quy hoạch của vùng, của quốc gia, trên cơ sở định hướng phát triển của Trung ương, Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Về nông nghiệp, Kiên Giang cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, theo chuỗi giá trị, tập trung cho nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, gắn với nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường và lợi nhuận của nông dân. Đồng thời, cần quan tâm củng cố, xây dựng, phát huy vai trò tích cực của kinh tế tập thể, hợp tác xã, gắn kết sản xuất với khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông sản bền vững.
Tiếp tục tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo NQ 36/NQ-TW ngày 22/01/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với phát triển du lịch, khai thác tốt lợi thế bờ biển dài trên 200 km, diện tích biển khoảng 63.000 km2, có trên 100 hòn đảo lớn nhỏ. Tổ chức sắp xếp khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển chế biến thủy sản nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa; có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân khai thác thủy sản, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, khai thác thủy sản tận diệt ven bờ.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển hơn nữa, đặc biệt tập trung lãnh đạo phát triển các vùng du lịch trọng điểm mà tỉnh đã xác định, trong đó cần tiếp tục xác định Phú Quốc phải trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế theo định hướng của Trung ương.
Tỉnh cần nâng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Cần có chương trình kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đồng thời huy động hợp lý các nguồn lực để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp sạch tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019.
Cùng với đó, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý chặt chẽ quy hoạch về đất đai, đô thị, rừng. Tăng cường lãnh đạo công tác cải cách hành chính thực chất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, thẩm định dự án, cấp phép đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường liên kết vùng, nhất là liên kết với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KTXH, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ kết nối với trung tâm đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Tiếp theo đó, tỉnh cần quan tâm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, trình độ dân trí, nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách và an sinh xã hội. Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chất lượng, mức sống người dân, quan tâm hơn nữa công tác phát triển văn hóa, chỉ số phát triển con người. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với nước, thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân vùng căn cứ cách mạng đã chịu nhiều thiệt hại, mất mát, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nghề, kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ…
Đồng thời, phát triển mạng lưới y tế đồng bộ, chăm sóc sức khỏe nhân dân hiệu quả; chú trọng thực hiện các chương trình y tế dự phòng, thực hiện tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh; thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và triển khai NQ 12 của CP ngày 15/02/2020 thực hiện NQ 88/2019/QH 14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tập trung vào giảm nghèo bền vững, giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, phải xem vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội là vấn đề quan trọng gắn liền với phát triển bền vững, nhất là ở địa bàn du lịch trọng điểm như đảo Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên…
Kiên Giang có nhiều tiềm năng để phát triển tất cả các ngành kinh tế.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá Kiên Giang có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, do đó, cùng với việc tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, tỉnh cần chú ý kết hợp chặt chẽ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn với đặc thù của địa phương, xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết trấn áp và triệt xóa tội phạm có tổ chức. Quan tâm công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền; công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng vươn lên. Tập trung tối đa mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, chủ động cơ cấu các vùng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hữu cơ; đồng thời đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản xa bờ, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực và thủy sản, tạo thêm năng lực mới cho nền kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân.
Trương Anh Sáng
Ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Kiên Giang cần xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phát chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.