Kiên Giang: Hơn 456 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

(Phapluatmoitruong.vn) – Năm 2021, Kiên Giang dự kiến nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình Mc tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 456 tỷ đồng. 

Thời gian vừa qua, Kiên Giang đã và đang tập trung triển khai nguồn vốn đã được phân bổ để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường, trạm y tế…

Cụ thể, đã đầu tư xây dựng 440 km đường, trong đó, xây dựng mới 240 km, đầu tư nâng cấp, mở rộng 200 km đường hiện trạng, với kinh phí khoảng 440 tỷ đồng. Tổng số km đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa lũy kế đến ngày 31/5/2021 là 6.369,88/9.565 km, đạt 66,6%.

Về điện, cải tạo lưới điện cho 13 công trình, gồm: cải tạo đường dây trung thế 22,8 km, đường dây hạ thế 199,7 km. Tổng dung lượng trạm biến áp cải tạo 19.439,5 kVA, dự kiến thi công hoàn thành trong tháng 11/2021 với tổng vốn đầu tư 22,349 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 54 trạm cấp nước và 02 hồ chứa nước; tổng số đồng hồ đang được quản lý 71.538 đồng hồ. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,28%, trong đó nước sạch là 61,43%.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh và đào tạo 11.005 người, trong đó, cao đẳng 49 người, trung cấp 356 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 10.600 người; giải quyết việc làm cho 17.511 lượt lao động, trong đó, trong tỉnh 10.589 lượt lao động, ngoài tỉnh 6.842 lượt lao động, hợp đồng lao động đi làm việc nước ngoài 80 lao động.

Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng luôn quan tâm, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đơn vị lực lượng vũ trang, bệnh viện, trường, trại, trung tâm và các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi với tổng kinh phí hỗ trợ trên 28 tỷ đồng; điều dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng cho 4.022 đối tượng với tổng kinh phí 4.464,420 triệu đồng; chi trả trợ giúp xã hội cho các đối tượng trong 6 tháng đầu năm là 53.251 người với tổng kinh phí 144.823,4 triệu đồng.

Tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 và phát Giấy chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong năm 2020; lập hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021, có 30/48 sản phẩm đăng ký ban đầu có khả năng đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao.

Được biết, tỉnh dự kiến nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 khoảng 456.759 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương phân bổ 183.779 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng 272.980 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Kiên Giang thành lập mới 07/15 HTX nông nghiệp; hiện có tổng 433 HTX, trong đó có 348 HTX trồng trọt, 83 HTX nuôi trồng thủy sản và 02 HTX chăn nuôi, với 32.252 thành viên, tổng số vốn điều lệ 105.707 triệu đồng, diện tích sản xuất 54.093,25 ha.

Toàn tỉnh hiện có 90/116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên.

Phấn đấu 6 tháng cuối năm 2021, tỉnh sẽ công nhận thêm ít nhất 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Kiên Bình và Bình Trị, huyện Kiên Lương); 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trình Trung ương thẩm định xét và công nhận 02 huyện Vĩnh Thuận và Kiên Lương đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Hà Tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 99%, nước sạch đạt 62%, giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% so với năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 90%…; Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các xã, huyện đã đạt chuẩn và triển khai thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn.

Trương Anh Sáng

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Xã Mỹ Phước (Hòn Đất) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.