Kiên Giang: Đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải

(Phapluatmoitruong.vn) – Huyện Giồng Riềng xác định, trong giai đoạn 2020-2025, việc thu gom, quản lý chất thải rắn sẽ được giải quyết triệt để, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải đạt từ 95% trở lên.

Hiện nay, trên địa bàn huyện, ước tính mỗi ngày lượng rác thải thải ra môi trường khoảng 155 m3, tương đương 83,75 tấn/ngày, 29,104 tấn/năm. Trong số này, lượng rác được huyện tổ chức thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung ở các xã khoảng 65 m3, tương đương 42 tấn/ngày (khoảng 15.330 tấn/năm). Phần còn lại chưa thu gom được do địa bàn rộng, xe chỉ thu gom các tuyến đường chính nên người dân xử lý tại hộ gia đình với 34.376 hộ có hố rác gia đình (bao gồm hố rác bằng đất và bê tông); ước lượng rác nhân dân tự phân loại xử lý khoảng 31,75 tấn/ngày (11.589 tấn/năm). Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trung bình toàn huyện đạt 88,04%.

Để việc thu gom, xử lý rác đạt hiệu quả hơn, UBND huyện đã xây dựng Đề án phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn với nhiệm vụ từng giai đoạn, phân công trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị liên quan… Trước mắt, tập trung hướng dẫn người dân phân loại rác vô cơ, hữu cơ vào thùng đựng riêng biệt. Các loại rác khác được xử lý bằng cách ủ phân compost để trồng trọt, đồng thời đào hố chôn lấp hoặc tái sử dụng chất thải hữu cơ, chất thải có thể phục hồi, chế biến. Xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn phù hợp với điều kiện, kinh tế – xã hội từng xã, thị trấn như phân loại tại nguồn quy mô hộ gia đình, tổ nhân dân tự quản…

Thường xuyên phát động và tổ chức phong trào toàn dân làm vệ sinh môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc xử lý chất thải chưa đúng quy định đối với các tổ chức, cá nhân; phân rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; vai trò tham gia của nhân dân trong phân loại các chất thải tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt.

Bên cạnh đó, tiếp tục vận động thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa và nhân rộng mô hình đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm”, mô hình “Đoạn đường đẹp”, “Thắp sáng đường quê”, “5 không 3 sạch”, “Câu lạc bộ về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”… Vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành có hiệu quả nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Long Thạnh. Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp các hạng mục của bãi rác như: Đường vào bãi rác, các hố chứa rác có lót bạt chống thấm, che chắn lại các hố tập kết rác đã lấp đầy; xây dựng hệ thống thu nước rỉ rác, tường rào xung quanh, phun, xịt chế phẩm khử mùi, trồng cây xanh để hạn chế ô nhiễm khi tập kết rác thải. Khi Nhà máy đi vào, huyện sẽ xử lý toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt hiện đang tồn đọng tại khu vực tập kết tạm thời.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường; nâng cao nhận thức cộng đồng, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với thực hiện hiệu quả phong trào bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan môi trường “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”.

Quang Minh

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm” tại ấp Đường Gỗ Vàm, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng.