(Phapluatmoitruong.vn) – Tỉnh xác định cần tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường; tái cơ cấu quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Cùng với đó, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn gắn với kiểm soát thú y và hoạt động giết mổ tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo hướng VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đặc dụng nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng. Đầu tư các công trình thủy lợi, các dự án hồ chứa để đảm bảo chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân, nhất là vào mùa khô, không để tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn.
Tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và cải tạo, giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn “xanh – sạch – đẹp”, từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn, vùng ven biển và hải đảo.
Thực hiện có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với mô hình hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm. Xúc tiến thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập, giảm thiểu sự ảnh hưởng của thời tiết đối với sản xuất và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp phi công trình trong ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, sạt lở, xâm nhập mặn do nước biển dâng. Thực hiện nghiêm cơ chế liên kết vùng trong ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xử lý triệt để, dứt điểm và ngăn ngừa các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Quan tâm cải thiện chất lượng môi trường sống, cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng gắn với sản xuất và phục vụ sản xuất, các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng và có giá trị kinh tế cao của tỉnh nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Trương Anh Sáng
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Chú trọng nuôi trồng thủy sản tạo giá trị gia tăng cao.