Kiên Giang: Đảo ngọc đứng trước nguy cơ ngập rác

(Phapluatmoitruong.vn) – Phú Quốc có tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo sự gia tăng ngày càng nhiều lượng rác thải rắn nói chung và lượng rác thải sinh hoạt nói riêng.

Những năm gần đây, nhất là từ khi được công nhận là đô thị loại II và trở thành thành phố đảo, cuộc sống của người dân Phú Quốc ngày càng được cải thiện, nhu cầu cuộc sống vật chất và sử dụng tài nguyên ngày càng lớn.

Do đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt cũng đang trở thành vấn đề cấp bách của Phú Quốc. Hiện tại, chưa có công trình nghiên cứu đồng bộ nào để đánh giá thực trạng quản lý, đề xuất hướng tái chế, tái sử dụng nguồn rác thải sinh hoạt đô thị ở huyện Phú Quốc.

Hiện nay, toàn huyện đảo có hơn 179.480 người sinh sống; trên 1.600 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 60 cơ sở sản xuất nước mắm và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống… Phần lớn trong số đó không có hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn, nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng ra môi trường tự nhiên.

Theo thống kê, thành phố Phú Quốc phát sinh khoảng 150 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, lúc cao điểm có nhiều khách du lịch thì số rác thải phát sinh có khi lên đến 180 tấn/ngày. Việc xử lý rác thải sinh hoạt đang ở mức quá tải khiến đảo ngọc đang đứng trước nguy cơ ngập rác.

Do trên địa bàn Thành phố chưa được đầu tư nhà máy xử lý rác thải xứng tầm nên đa phần rác thải thu gom được xử lý bằng cách đốt, chôn lấp hoặc đưa về tập trung tạm ở hai bãi rác thuộc phường An Thới và xã Cửa Cạn. Rác chất đống ngày càng nhiều, bốc mùi nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của những khu dân cư gần bãi rác. Ngoài ra, một số trôi dạt trong tự nhiên, theo các cống, kênh rạch, sông ngòi trôi thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển.

Được biết, nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải rác thải ở Phú Quốc hiện nay là do thiếu hụt về nguồn kinh phí đầu tư cho công tác xử lý rác thải, nhất là rác thải độc hại. Nhận thức về việc bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải của một bộ phận người dân, doanh nghiệp… còn chưa cao, việc tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng chưa được sâu rộng. Ngoài ra, việc xử lý theo quy trình hiện tại (theo kiểu chôn lấp và xử lý mùi) không đảm bảo được vệ sinh môi trường…

Để đảo ngọc Phú Quốc trở thành trung tâm kinh tế, du lịch sinh thái phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần có cơ chế thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào công tác xử lý rác thải theo cách làm của Hà Nội và Tp.HCM. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân sẽ đem những công nghệ mới nhất vào xử lý rác thải.

Đồng thời, phải chọn các dự án đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý rác thải đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. Đối với những hoạch định ở tầm vĩ mô, đi đôi với quá trình kiến thiết đô thị hóa cũng cần phải chú trọng đến các công trình, kế hoạch để xử lý rác, khống chế thải lượng của tất cả các nguồn phát thải trong đô thị thông qua các giải pháp kỹ thuật (xử lý tại nguồn); Xử lý tập trung (nếu tổng thải lượng đã đến giới hạn thì không cấp phép các nguồn thải mới); Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, quy hoạch các khu công nghiệp tập trung; Tận dụng rác để tái chế, tái sử  dụng hoặc làm phân bón sinh học…

Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và các quy định về pháp luật, chế tài xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến từng doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho bảo vệ môi trường. Bố trí nguồn vốn sự nghiệp môi trường đảm bảo, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cơ bản nhằm giải quyết các vấn đề môi trường còn bức xúc, tồn đọng kéo dài ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân như: xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt đô thị, thoát nước… Tăng cường giám sát, quan trắc, cảnh báo về tình hình môi trường. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa một số nội dung về bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xử lý rác thải, nước thải..

Tăng cường kiểm tra, rà soát đối tượng để thực hiện tốt các thủ tục môi trường theo đúng quy định. Đưa các yêu cầu về bảo vệ môi trường là điều kiện bắt buộc khi xem xét hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt các dự án. Xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch quản lý chất thải rắn, xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường. Rà soát quy hoạch đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường. Yêu cầu các khu, cụm công nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung khi triển khai đầu tư xây dựng.

Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường đối với từng dự án theo đúng quy định, sát thực tiễn. Tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ…; đặc biệt chú trọng các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phát sinh nhiều chất thải. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Việc xử lý rác chỉ mang tính chất “giải quyết phần ngọn” nếu thời gian tới không có các giải pháp đồng bộ cả ở tầm vi mô và vĩ mô, sẽ gây tác động không nhỏ đến sức khỏe người dân, thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Thành phố.

Có thể thấy, ở tầm vi mô, việc xử lý tận gốc rác thải sinh hoạt sẽ dễ dàng hơn nếu có sự cố gắng từ chính nguồn phát sinh – người dân. Tích cực giảm thiểu tối đa số lượng rác thải ra, tích cực phân loại rác theo tiêu chuẩn 3R (Reduce: giảm thiểu, Reuse: sử dụng lại, Recycle: tái chế), đổ rác đúng nơi quy định đồng nghĩa với việc áp lực trong việc thu gom, xử lý rác sẽ được giảm xuống, tạo cảnh quan môi trường Xanh – Sạch – Đẹp, đáp ứng được sự hài lòng của người dân du khách và nhà đầu tư.

Trương Anh Sáng

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Mỗi ngày, thành phố Phú Quốc phát sinh khoảng 150 tấn rác thải sinh hoạt.