Kiến An (Hải Phòng): Nhức nhối tình trạng đốt trộm rác thải

Theo phản ánh của người dân phường Tràng Minh (Quận Kiến An, TP.Hải Phòng), việc tập kết, đốt rác bừa bãi tại làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh thường xuyên xảy ra trong nhiều năm nhưng không có biện pháp xử lý triệt để. Đáng lo ngại, trong số rác bị đốt đó có cả rác thải y tế và linh kiện điện tử, vỏ bình ác quy. Loại rác khi đốt sẽ tạo thành dioxin và furan là những chất gây tác hại lớn đến môi trường và con người.

Dân khốn khổ vì khói đốt phế thải công nghiệp bủa vây

Không chỉ người dân phường Tràng Minh mà hệ lụy ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng tới các huyện lân cận như Kiến Thụy, An Lão. Như vậy, hàng trăm hàng nghìn người dân đang phải sống chung với cảnh ô nhiễm môi trường do tái chế phế liệu và đốt rác thải công nghiệp bừa bãi.

Sau khi được phân loại, những phế liệu dư thừa, không thể sử dụng được, không thể tái chế được thì các cơ sở này thuê những người lớn tuổi trong làng thu gom và mang đi đốt. Rác với đủ loại từ vỏ ti vi, mảnh nhựa vụn, dây điện, vỏ bỉnh ác quy… được kéo bằng xe cải tiến, tập kết tại những bãi đất trống và đốt. Từ đầu đường mùi hôi thối, mùi khét bốc lên từ những xưởng tái chế nhựa trong khu dân cư và từ những bãi rác còn nghi ngút khói khiến bầu không khí nơi đây đều trở lên ngột ngạt, khó thở. Một số người dân khu vực này cho biết: Đã từng xảy ra tình trạng đổ rác cả xuống sông Đa Độ (nguồn nước cho Nhà máy nước sạch Cầu Nguyệt).

Ông Phạm Hồng Sơn – thôn Nguyệt Áng (An Lão) cho biết: Thực trạng đốt rác thải công nghiệp đã tồn tại cách đây rất lâu. Có những đêm, vào khoảng 12h trở ra, trong không khí xuất hiện mùi rất khó chịu. Ban đầu còn nghĩ nhà mình bị chập, cháy đồ điện nhưng đóng cửa thì thấy bớt đi mới biết có người đang đốt rác phế liệu. Ban ngày có những hôm khói nghi ngút, đen xám bốc cao ai cũng nhìn thấy nhưng chẳng thấy có cấp chính quyền nào giải quyết.

Bãi tro đen kịt gồm đủ các loại từ rác thải sinh hoạt đến đồ nhựa, bao bì, gạch đá, sỉ nhựa, vỏ dây diện cháy đen.

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã về phường Tràng Minh để xác minh, làm rõ. Dọc hai bên đường làng nghề phế liệu Tràng Minh đâu đâu cũng là hình ảnh phế liệu được tập kết từng bao lớn, chất đống đầy nhà, tràn cả ra vỉa hè, lòng đường, ngay dưới nền đất. Hàng ngày, hàng trăm chuyến xe chất đầy phế liệu đổ về điểm này. Người mua, người bán vô tư đổ phế liệu xuống, mặc cho bụi bay tứ tung. Tiếng cắt, đập, phân loại phế liệu gây ồn ào cả một góc phố.

Theo ghi nhận, trên đường ra nghĩa trang Đồng Cống hay khu vực gần bến đò Vớ cũ qua sông Đa Độ (đoạn từ phường Tràng Minh, quận Kiến An, sang xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) là những bãi tro đen kịt gồm đủ các loại từ rác thải sinh hoạt đến đồ nhựa, bao bì, gạch đá, sỉ nhựa, vỏ dây diện cháy đen… dấu tích của những lần đốt rác trộm. Mặc dù, UBND phường Tràng Minh đã đóng cọc, treo biển “Khu vực cấm tập kết phế liệu đổ rác thải, đốt rác” ở hai đầu bãi nhưng rác vẫn chất từng đống tại đây. Trong đó có cả một số đống găng tay y tế – là chất thải y tế bị đổ ra trắng cả một đoạn đường, bay cả xuống ruộng lúa bên cạnh. Ngoài găng tay y tế ra còn có rác thải điện tử, vỏ bình ác quy, đó là loại chất thải nguy hại khi tháo dỡ và xử lý không đúng cách theo quy định về xử lý chất thải điện tử.

Theo các nhà chuyên môn, thiết bị điện tử khi phá dỡ lấy vật liệu bằng thủ công sẽ giải phóng chất thải nguy hại ra môi trường trong đó có các nguyên tố như hơi thủy ngân, bụi mịn chứa PBDE, PBDD, thủy tinh chứa chì, cadmium, selen, crom, chì. Khi đốt, sẽ tạo thành dioxin và furan là những chất gây tác hại lớn đến môi trường và con người.

Tại khu vực nghĩa trang Đồng Cống, có một con mương nước đen kịt bốc mùi hôi thối chứa đựng toàn bộ nước thải khu vực phía Nam Tràng Minh từ các việc thu mua tái chế phế liệu từ bệnh viện và một số công ty, trong đó điển hình là Công ty ô tô Chiến Thắng… Toàn bộ nguồn nước thải này đang tạm thời xả vào sông Đa Độ trong khi chờ nhà máy xử lý nước thải tập trung của “Dự án Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh” đang dở dang từ nhiều năm qua. Dự án này có tổng mức đầu tư 120 tỷ, theo kế hoạch được duyệt sẽ được hoàn thành, đưa vào vận hành từ 2015.

Chính quyền phường bất lực ?

Thừa nhận tình trạng đốt rác thải nhựa tại phường diễn ra thường xuyên, ông Phạm Đức Tám, Chủ tịch UBND phường Tràng Minh cho biết: Năm 2018 phường Tràng Minh đã phát hiện, xử lý hơn 10 vụ về đốt rác. Đầu năm 2019, cũng đã có vài vụ tương tự. Rác chủ yếu được đốt vào ban đêm và ngày nghỉ nên rất khó phát hiện, xử lý. Hơn nữa, các đối tượng thường chọn địa điểm tập kết để đốt tại các khu vực giáp ranh, khi bị phát hiện họ đã kịp rời khỏi hiện trường nên không xử lý được. Chính quyền địa phương đã liên tục thông báo cấm, kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng đốt trộm phế thải vẫn diễn ra thường xuyên.

Rác chủ yếu được đốt vào ban đêm và ngày nghỉ nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện, xử lý.

Được biết, hiện tại phường Tràng Minh có hơn 80 cơ sở thu gom, tái chế phế liệu với khoảng hơn 3.000 lao động. Trong đó, có hơn 60 cơ sở có giấy phép kinh doanh, phân loại phế liệu, còn lại là những hộ làm thời vụ. Hầu hết các hộ thu gom, tái chế phế liệu đều nằm rải rác trong khu dân cư, hoạt động mang tính tự phát, nhỏ lẻ; không có nhà xưởng, bãi tập kết nên phế liệu thường được chất thành đống ngay trong nhà và trên vỉa hè. Công nghệ tái chế phế liệu thì đơn giản, thô sơ.

Theo ông Tám, làng nghề tái chế phế liệu phường Tràng Minh ra đời từ những năm 1980 hoạt động thu gom, sơ chế, mua bán các loại phế liệu như: nilon, bao nhựa, chai nhựa, đồng, nhôm, sắt…

Quy trình phân loại, xử lý tái chế phế liệu sau khi thu mua của các hộ dân được thực hiện ngay trong khuôn viên của các hộ và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Phế liệu được người dân phân loại bằng tay, đối với vỏ bao bì khổ lớn bằng nhựa thì tổ chức “giặt” tay trước khi đưa vào máy xay. Đối với chai lọ thì xay nhỏ trước khi đưa vào làm sạch tại các bể nước.

Tình trạng đốt, xả rác bừa bãi đã làm ô nhiễm nhiều dòng kênh mương trên địa bàn.

Trong khi đó, đơn giá để xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại rất cao nên toàn phường hiện chưa có bất kỳ hộ kinh doanh nào có thể ký kết hợp đồng xử lý với các đơn vị chức năng, chưa nói đến việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý trong quá trình phân loại, tái chế phế liệu. Chính vì thế, ngoài phần phế liệu được đưa vào tái chế sử dụng, phần rác thải rắn thông thường, chất thải nguy hại còn lại chủ yếu được người dân đem đi đốt, chôn lấp hoặc thả sông…

Trước thực trạng trên, tháng 8/2019 UBND quận Kiến An đã có Báo cáo số 330/BC-UBND gửi Thành phố Hải Phòng, trong đó có đưa ra một số giải pháp, chủ yếu tập trung vào tuyên truyền, nâng cao ý thức nhân dân trong bảo vệ môi trường.

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề Tràng Minh có lẽ giải pháp cơ bản, lâu dài phải đưa khu thu mua, tái chế ra khỏi khu dân cư. UBND quận Kiến An cần nghiên cứu quy hoạch một khu làng nghề mới cho phường Tràng Minh. Khu quy hoạch này phải đảm bảo việc xử lý chất thải, nước thải, xa khu dân cư nhưng vẫn thuận lợi cho hoạt động sản xuất của người dân địa phương. Xa hơn, cần có những giải pháp an sinh, chuyển đổi nghề nghiệp để người dân nơi đây có kế sinh nhai mới vì nghề phân loại tái chế rác thải nhựa nếu không muốn ô nhiễm sẽ phải cần sự đầu tư lớn với công nghệ đồng bộ.

Phạm Duy – Xuân Vũ – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Tình trạng vận chuyển, đốt rác thải bừa bãi là vấn nạn nhức nhối đối trên địa bàn phường Tràng Minh.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/kien-an-hai-phong-nhuc-nhoi-tinh-trang-dot-trom-rac-thai-1273944.html