Kiểm soát chặt tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

Năm 2018, hoạt động thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường biển được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam quản lý có sự chuyển biến, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, huy động và kết hợp hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát biển, kịp thời xây dựng và điều chỉnh kế hoạch bảo đảm thống nhất với Thanh tra Bộ, đảm bảo giám sát một cách hiệu quả nhất hoạt động khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Nội dung thanh tra, kiểm tra đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn như tình trạng vi phạm pháp luật trong sử dụng tài nguyên biển, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường biển trong các dự án đầu tư ven biển; chủ động tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Trong thanh tra, kiểm tra, bên cạnh việc phát hiện các hành vi vi phạm, nhắc nhở, phòng ngừa Tổng cục đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Cụ thể, đã tổ chức các Đoàn đi kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Định, Kiên Giang và thành phố Hải Phòng, thành lập Đoàn khảo sát, nắm bắt tình hình và thống nhất về nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra tại tỉnh Nghệ An. Chủ động theo dõi, nắm bắt và có biện pháp xử lý kịp thời đối với thông tin từ các địa phương, dư luận, báo chí về tình hình môi trường biển, hải đảo.

Tổng cục đã tiếp nhận, kiểm tra, xử lý nhiều thông tin cụ thể như hiện tượng nước biển gây ngứa, nổi dị ứng đốm đỏ trên da tại các bãi tắm khu vực biển thành phố Đà Nẵng; nước thải màu đen bốc mùi nồng nặc trên biển Mỹ Khê, thành phố Đà Nẵng; hiện tượng sạt lở bờ biển khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né; hiện tượng rác thải tại rừng phòng hộ ven biển xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; các dự án san lấp lấn biển, ảnh hưởng đến cảnh quan Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; hiện tượng rác thải tại bờ biển Bình Thuận…

Hướng dẫn, tổng hợp kết quả đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo của các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển năm 2017; theo dõi kết quả đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo năm 2017 của các đơn vị trực thuộc Bộ trên cơ sở kết quả của các đơn vị tổng hợp, chấm điểm, đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo năm 2017 báo cáo Bộ. Thực hiện tốt Kế hoạch phối hợp giữa Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển năm 2018, tham gia tuần tra liên hợp nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc và khảo sát, nắm bắt tình hình các hoạt động trên biển và ven bờ từ Quảng Bình đến Nghệ An.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ hoạt động của cơ quan đầu mối thực hiện các nhiệm vụ của Bộ về ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển năm 2018. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án tại Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển giai đoạn 2018 – 2020; chủ động phối hợp với các lực lượng có liên quan tham gia xử lý ngay từ đầu sự các cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển.

Về cấp phép nhận chìm ở biển trong năm 2018, Tổng cục đã tổ chức tiếp nhận, thẩm định và đang xử lý 8 hồ sơ xin cấp phép nhận chìm ở biển. Trong đó, một số hồ sơ đã được đen ra Hội đồng thẩm định đánh giá và các chuyên gia cho ý kiến góp ý. Một số hồ sơ chưa đạt yêu cầu đã được thông báo kết luận thẩm định để chủ đầu tư sửa đổi, bổ sung. Có hồ sơ đã thông báo về kết luận không nhận chìm ở vị trí đề xuất do không đảm bảo yếu tố môi trường như: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển của Chi nhánh Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh. Hiện, chủ đầu tư đang xây dựng phương án nhận chìm ở vị trí mới…

Công tác giao khu vực biển bước đầu thực hiện đã đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, địa phương có biển trong việc xử lý các hồ sơ giao khu vực biển để nhận chìm. Trong năm 2018, Tổng cục đã tiếp nhận và thẩm định, xử lý 14 hồ sơ đề nghị giao khu vực biển (trả lại 1 hồ sơ). Đã tham mưu với Bộ TN&MT thành lập 6 Hội đồng thẩm định Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển; trình Bộ TN&MT xử lý xong 1 hồ sơ; đã giao 1 khu vực biển để Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An nhận chìm chất nạo vét; đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để giải quyết 3 Hồ sơ. Tổng cục cũng đang hoàn thiện để trình Bộ TN&MT xem xét giao 3 khu vực biển thuộc thẩm quyền của Bộ.

Minh Thư – Báo TN&MT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam kiểm soát hiệu quả khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Ảnh: MH

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/kiem-soat-chat-tai-nguyen-va-bao-ve-moi-truong-bien-hai-dao-1264865.html