Thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư để có điều kiện cải tạo, xây mới các tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.
Chiều 26/10, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến thời hạn sở hữu và thời hạn sử dụng nhà chung cư.
Khó xây nhà mới tại chung cư hết ‘tuổi thọ’
Cho ý kiến vào dự luật, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, dự thảo luật quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay mới chỉ xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế.
Theo ông Hạ, quy định như vậy là chưa rõ ràng vì chưa đề cập đến thời hạn sở hữu. Bởi hiện nay đang nảy sinh sự mâu thuẫn giữa được sở hữu chung cư vĩnh viễn với thời hạn sử dụng.
Đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng, những vướng mắc trên chưa được tháo gỡ đã dẫn tới tình trạng nhiều chung cư cũ xuống cấp trầm trọng nhưng không thể đập đi xây mới vì không thỏa thuận được với các hộ dân.
Theo ông Hạ, chỉ quy định thời hạn sử dụng dựa trên cơ sở kết cấu, tuổi thọ công trình như dự thảo luật hiện nay thì vẫn còn thiết sót. “Vì khi công trình hết tuổi thọ sẽ giải quyết thế nào? Đề nghị dân góp tiền sửa nhà là rất khó khăn”, ông Hạ nói.
Do vậy, ông Hạ đề nghị quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Khi hết thời hạn sở hữu nhà, khu đất đó được chủ đầu tư xây mới. Quy định như vậy cũng giúp giá nhà rẻ hơn, đông đảo người dân sẽ được tiếp cận chỗ ở dễ dàng hơn.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) đồng tình với quan điểm của ông Tạ Văn Hạ về việc quy định thời hạn nhà chung cư như một nguyên tắc kỹ thuật, bởi vì nó liên quan đến các cơ chế bảo hành, quản lý và đặc biệt là cơ chế giá trong giá bán của các tòa nhà chung cư.
Nên quy định thời hạn sử dụng đất xây chung cư
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), nếu không quy định thời hạn sở hữu chung cư thì tương lai không có cách nào để xử lý vấn đề cải tạo, xây mới chung cư cũ. Và nó có thể trở thành vấn đề gây bức xúc cho thế hệ sau.
Mặt khác, nếu không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà. Vì cùng một tòa nhà thiết kế như nhau, độ bền như nhau mang ra bán thì nhà có thời hạn giá chắc chắn rẻ hơn nhà không có thời hạn. Phần tiền chênh lệch đấy người mua không được hưởng lợi.
“Lý do để lựa chọn phương án không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư nói là vì dư luận chưa đồng tình là không hợp lý. Tôi cho rằng không thể vì lý do dư luận không đồng tình mà chúng ta bỏ qua lợi ích chính đáng của người dân và khách hàng”, ông Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị quy định cả thời hạn sử dụng đất xây chung cư. Ảnh: Quốc hội
Ngoài ra, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị nên quy định cả thời hạn sử dụng đất đối với nhà chung cư trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, dự án nhà chung cư được thuê đất trả tiền 1 lần theo thời hạn là tuổi thọ công trình. Hết thời hạn này sẽ tái cho thuê lại nếu nhà chung cư có thể tồn tại dài hơn tuổi thọ thiết kế.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), có 2 loại đất để xây dựng chung cư. Với những loại đất được Nhà nước giao không xác định thời hạn thì chung cư xây trên đất này cũng như vậy. Đối với dự án Nhà nước giao đất 50-70 năm thì chung cư cũng phải theo thời hạn này.
Ông Nghĩa cho rằng, với trường hợp đất giao sử dụng không xác định thời hạn thì thời gian sử dụng nhà chung cư vẫn phải có thời hạn theo tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với nhà chung cư đó. Như vậy, nhà chung cư vẫn thuộc sở hữu của người chủ sở hữu nhưng quyền sử dụng của người chủ sở hữu đấy thì được giới hạn khi nhà chung cư đấy không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
“Ví dụ, nếu tôi mua thì xe ô tô là thuộc quyền sở hữu của tôi, nhưng xe có được lưu thông trên đường hay không thì phải đáp ứng được yêu cầu đăng kiểm. Nhà chung cư cũng như vậy, tôi là chủ sở hữu nhà chung cư thì sở hữu của tôi là không bị giới hạn. Trường hợp nhà chung cư đấy không đáp ứng được tiêu chuẩn phải tiêu hủy thì quyền sở hữu của tôi mới bị chấm dứt”, ông Nghĩa phân tích.
Quang Phong – Báo VietnamNet
Theo VietnamNet
Ảnh: TP Hà Nội có hàng trăm khu chung cư cũ xuống cấp nhưng việc cải tạo, xây mới rất khó khăn. Ảnh: Minh Hoàng
Xem bài viết gốc tại đây: