Ngày 31/1, ngày cuối cùng của tháng 1/2021, Bắc Bộ tiếp tục có sương mù dày khiến không khí bị ô nhiễm, nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe.
Vào những ngày sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí. Người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, thực hiện theo hướng dẫn của chuyên gia.
Các bác sỹ khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra đường, hoạt động thể dục thể thao ngoài trời, tránh tụ tập ở nơi công cộng, thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, mang những loại khẩu trang có kích thước lọc nhỏ, thường xuyên rửa tay để bảo vệ sức khỏe.
Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), UBND thành phố Hà Nội, Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), ứng dụng Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir- là tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí), hầu hết chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các điểm quan trắc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều chuyển mức đỏ-mức có hại cho sức khỏe, nhiều điểm màu tím, thậm chí có điểm màu nâu-nguy hại cho sức khỏe.
Lúc 7 giờ ngày 31/1, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận phần lớn các điểm quan trắc ở Bắc Bộ đều màu đỏ với chỉ số chất lượng không khí ở mức 152-194, có hại cho sức khỏe của con người. Một số điểm có chỉ số này cao như Ủy ban nhân dân phường Minh Khai (Hà Nội), Trạm khí trung tâm quan trắc phường Sông Hiến (Cao Bằng), đường Hùng Vương (Thái Nguyên).
Ứng dụng AirVisual dự báo, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội là 172, mức màu đỏ, có hại cho sức khỏe và chỉ số màu đỏ còn kéo dài cả ngày. Ở các điểm quan trắc khác khắp miền Bắc, chỉ số chất lượng không khí đều ở mức có hại cho sức khỏe.
Ứng dụng PAM Air ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở hầu khắp Bắc Bộ đều mức đỏ, cam, có 17 nơi ở mức tím rất có hại cho sức khỏe, thậm chí có 4 điểm ở mức nâu- mức không khí bị ô nhiễm nặng nề, dễ làm phát sinh các bệnh lý hô hấp và dị ứng nghiêm trọng gồm 3 điểm ở Thái Nguyên là đường Cách mạng tháng Tám (thành phố Sông Công), Ba Tháng Hai, Trường mầm non Đồng Quang (thành phố Thái Nguyên); Thư viện xã Hán Đà (Yên Bình-Yên Bái).
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để ứng phó với ô nhiễm không khí tại đô thị lớn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định việc lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong đó, nhiều nội dung sẽ được thực hiện trong năm 2021 như các quy định về quan trắc môi trường; xây dựng và ban hành Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc môi trường; lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam; hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện, dịch vụ…
Theo Tin tức TTXVN
Ảnh: Nhìn từ trên cao Hà Nội mù mịt trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao kỷ lục. Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây: