Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc giao cho các địa phương quản lý đầu tư các dự án thành phần là không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công,…
Bộ GTVT được giao làm đầu mối để triển khai
Đây là một trong những nội dung trong thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 6, tháng 12/2021.
Thông báo kết luận nêu rõ, từ ngày 8 – 10/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đợt 1, phiên thứ 6 dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ để cho ý kiến về công tác chuẩn bị nội dung, điều kiện bảo đảm phục vụ kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền, trong đó có chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung thuyết minh làm rõ về quy mô đầu tư; sự phù hợp với quy hoạch của các ngành, địa phương có liên quan; tính kết nối của dự án với các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ khác và cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics,…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát hướng tuyến, các điều kiện khác, bảo đảm hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng, đất trồng lúa; tính toán kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần và phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng lớn đến môi trường, hệ sinh thái.
Bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho dự án, bao gồm cả công nghệ trước, trong và sau khi hoàn thành; giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất; làm rõ thời gian hoàn thành dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan đầu mối thống nhất quản lý đầu tư dự án và tất cả các dự án thành phần; các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án theo quy định.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giao cho các địa phương quản lý đầu tư các dự án thành phần là không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, khó bảo đảm chất lượng, tiến độ và tính thống nhất trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt, dự án yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cao và đòi hỏi thi công đồng bộ nên cần quản lý tập trung, thống nhất.
Thống nhất trình Quốc hội đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách
Thông báo kết luận nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đầu tư toàn bộ dự án theo hình thức đầu tư công. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát, điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong chương trình phục hồi và phát triển KT-XH để ưu tiên vốn của chương trình phục hồi cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022 – 2023.
Đồng thời, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí từ nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2024 – 2025.
“Thống nhất việc trình Quốc hội xem xét, quyết định ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng của dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi; bổ sung, làm rõ diện tích từng loại rừng phòng hộ cần chuyển đổi và phương án trồng rừng thay thế. Đề nghị bổ sung, làm rõ hơn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532 ha để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định”, Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có phương án thu hồi vốn khi đưa dự án vào khai thác sử dụng để tạo nguồn trả nợ, nguồn duy tu, sửa chữa lớn và nguồn đầu tư các công trình khác; bổ sung các giải pháp để xử lý những khó khăn, vướng mắc, không để thiếu nguyên vật liệu, bãi đổ thải, các điều kiện bảo đảm khác để hoàn thành Dự án đúng chất lượng, tiến độ.
Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án, trình kèm theo dự thảo Nghị quyết về dự án, gửi Quốc hội.
Giao Kiểm toán nhà nước có ý kiến bằng văn bản gửi các cơ quan và đại biểu Quốc hội về dự án; Giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Đề xuất đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam
Theo tờ trình của Chính phủ, để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trong giai đoạn 2021 – 2025 cần đầu tư 12 dự án thành phần, chiều dài khoảng 729km, gồm các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353km) và Cần Thơ – Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Chính phủ đề xuất đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam bằng hình thức đầu tư công, gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang, Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau.
Sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng, gồm: Chi phí xây dựng và thiết bị (95.837 tỷ đồng), chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư (19.097 tỷ đồng), chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác (12.015 tỷ đồng, chi phí dự phòng (20.041 tỷ đồng).
Đình Quang – Tạp chí GTVT
Theo Giao Thông Vận Tải
Ảnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan đầu mối thống nhất quản lý đầu tư dự án và tất cả các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương chỉ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – QL45)
Xem bài viết gốc tại đây:
http://www.tapchigiaothong.vn/khong-giao-dia-phuong-dau-tu-cao-toc-bac–nam-d93558.html