Không để dịch cúm gia cầm lan rộng

‘Các bộ, ngành cùng với chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, dập tắt ngay các ổ dịch cúm gia cầm’, đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc năm 2020, sáng 13/2.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Từ năm 2002, đặc biệt đỉnh điểm năm 2004, đại dịch cúm gia cầm đã khiến nước ta thiệt hại 45 triệu con gia cầm, đây là một tổn thất lớn về kinh tế. Hàng năm, chủng virus này vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Đến nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6.

Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước lại xuất hiện 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, TP: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do tổng đàn gia cầm cả nước rất lớn (467 triệu con), điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi. Trong khi đó, việc tổ chức tiêm vaccine cúm gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi nông hộ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Theo Bộ NN&PTNT, để hạn chế thấp nhất rủi ro do dịch cúm gia cầm, các địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, dập tắt ngay các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. “Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này. Bởi thực tế, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong phòng chống các chủng cúm gia cầm qua các năm. Hơn nữa, hàng năm, với sự hỗ trợ cả về kỹ thuật và kinh phí của Chính phủ Mỹ, FAO và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã liên tục chủ động lấy mẫu giám sát virus cúm gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm sống, tại các địa phương có nguy cơ cao và địa phương giáp biên giới” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Cùng với đó, để chủ động nguồn vaccine, Bộ NN&PTNT đã sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như Navet-Vifluvac và Navet-Fluvac 2; hiện đang tiếp tục hỗ trợ cho các DN khác cùng tham gia sản xuất vaccine cúm gia cầm. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống cúm gia cầm, hệ thống thú y từ T.Ư đến cấp huyện và nhân viên thú y cấp xã đã được quy định cụ thể trong Luật Thú y, tạo điều kiện về cơ sở pháp lý để tổ chức phòng, chống cúm gia cầm hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương không chủ quan vì nếu dịch xảy ra ở một điểm nhỏ lẻ mà lơ là thì nguy cơ lây lan, bùng phát ra nhiều điểm là rất lớn. Vì vậy, phải quyết tâm không để bùng phát dịch cúm gia cầm trong thời điểm này. Song song với đó, các địa phương hướng dẫn người dân chủ động tái đàn để đảm bảo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, tái đàn phải đảm bảo 3 nguyên tắc: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; cân đối cung cầu; đảm bảo an sinh xã hội. Các tỉnh, TP bố trí nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm gia cầm và các loại bệnh trên động vật, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng…

Phương Nga – Báo KTĐT

Theo Kinh tế & Đô thị

Ảnh: Phun thuốc sát trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Phương Nga

Xem bài viết gốc tại đây:

http://kinhtedothi.vn/khong-de-dich-cum-gia-cam-lan-rong-365156.html