Chiều 8/1, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng phối hợp với Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo ‘Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển KT-XH Quảng Nam và Đà Nẵng’.
Tại hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia nhận định, khơi thông sông Cổ Cò không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn tạo động lực mới cho phát triển KT-XH, nhất là ngành Du lịch, phát triển đô thị và bất động sản không chỉ tại hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn tác động lớn đến sự phát triển của cả miền Trung…
Sông Cổ Cò, còn gọi là Lộ Cảnh Giang, nối từ Cửa Hàn (Đà Nẵng) đến Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), với chiều dài khoảng 28km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Nam khoảng 20km; là tuyến đường thủy giao thương quan trọng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Cuối thế kỷ XIX, sông bị bồi lấp, gãy đứt thành nhiều đoạn.
Ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết, năm 2003, lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng thống nhất chủ trương khởi động dự án khơi thông sông Cổ Cò. Tháng 5/2012, hai bên ký biên bản làm việc liên quan đến một số nội dung về dự án khơi thông sông Cổ Cò từ Đà Nẵng vào Hội An. Quyết tâm của hai địa phương đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ.
Tháng 11/2016, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chỉ đạo tháo gỡ và hỗ trợ về nguồn lực đầu tư; giao cho các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường bổ sung dự án khơi thông sông Cổ Cò vào danh mục các dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Từ đó, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án.
Về phía tỉnh Quảng Nam, với đoạn sông dài, cần nguồn lực đầu tư lớn. Bên cạnh đó là việc định hình vệt đô thị ven sông ra sao để vừa khai thác tốt hiệu quả sử dụng đất, vừa phát huy tối đa giá trị cảnh quan.
Còn về phía Đà Nẵng, tổng mức đầu tư khoảng 486 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 146 tỷ đồng, ngân sách thành phố 340 tỷ đồng. Ngoài ra còn huy động vốn xã hội hóa thực hiện hạng mục nạo vét tạo luồng mới và đầu tư xây dựng trong phạm vi dự án của các nhà đầu tư. Dự án tập trung vào 4 hợp phần, gồm nạo vét lòng sông, đầu tư xây dựng hệ thống kè chắn, kiến tạo cảnh quan và nâng cấp các cây cầu.
Trên chiều dài 9km dòng sông, tương ứng với khoảng 32km kè chắn, dự án phía Đà Nẵng liên quan đến nhiều dự án. Hiện nay việc nạo vét lòng sông coi như đã hoàn tất; hạng mục kè chắn đã đầu tư được khoảng 5,5km. Trên địa bàn Đà Nẵng có 6 cây cầu qua sông Cổ Cò, trong đó có 5 cây cầu hiện đang sử dụng và 1 cây cầu nối đường Võ Chí Công ra biển chưa xây dựng. Với thực tế như vậy, phía Đà Nẵng xác định sẽ phát triển các loại hình du lịch sử dụng thuyền và du thuyền kích thước nhỏ, phù hợp với chiều cao các cây cầu.
Về hợp phần thiết kế cảnh quan, hiện nay phương án đã cơ bản được lãnh đạo TP Đà Nẵng thống nhất, toàn tuyến phải đảm bảo tính liên tục và nhất quán, đồng thời tôn trọng ý tưởng của các nhà đầu tư trong việc kiến tạo cảnh quan tại các dự án riêng. Các yếu tố chung nhất như tuyến đường ven sông, vị trí và cao độ kè chắn, vị trí bến thuyền phải được tuân thủ đồng bộ.
Theo đánh giá của TS Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội – Ban Kinh tế Trung ương, việc khơi thông sông Cổ Cò đang được chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam triển khai nhằm tạo động lực mới cho phát triển KT-XH không chỉ cho hai địa phương mà còn có ý nghĩa góp phần phát triển kinh tế vùng duyên hải miền Trung và cả nước.
Về quy hoạch hai bên sông Cổ Cò, ông Ngô Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho rằng không gian kiến trúc cảnh quan khu vực này là đặc biệt quan trọng, nhằm tạo dựng hình ảnh đặc trưng cho khu vực, hoàn thiện cơ sở khoa học và pháp lý trong việc quản lý quy hoạch kiến trúc, kiểm soát phát triển theo đúng định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt. Tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan…
Với những lý do trên thì việc lập thiết kế đô thị khu vực tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP Hội An là thực sự cần thiết. Về ý tưởng thiết kế đô thị tổng thể định hình toàn bộ tuyến ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP Hội An, theo ông Ngô Ngọc Hùng, đó là chuỗi công viên văn hóa – lịch sử – sinh thái Quảng Nam được giới hạn bởi tuyến giao thông ven sông thành 5 khu công viên với tổng diện tích khoảng 408ha.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định việc nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò thể hiện quyết tâm chính trị quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, dịch vụ du lịch. Dự án khơi thông sông Cổ Cò, nối cửa Hàn tới Cửa Đại nhằm hình thành tuyến giao thương, du lịch đường thủy để phát triển KT-XH…
Theo Công An Nhân Dân
Ảnh: Việc khơi thông sông Cổ Cò thúc đẩy phát triển KT-XH của hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://cand.com.vn/kinh-te/khoi-thong-song-co-co-noi-lai-tuyen-duong-thuy-da-nang-hoi-an-626774/