Ngày 15/5 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và Kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) – Nâng tầm vị thế quốc gia”.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Ngày KH&CN Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và trao Giải thưởng khoa học mang tên cố GS Tạ Quang Bửu – một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của ngành KH&CN, cùng tri ân sự nỗ lực cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ nhà khoa học, cán bộ quản lý, đóng góp quan trọng, thiết thực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng khẳng định, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành KH&CN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng nhấn mạnh, KH,CN&ĐMST là nguồn tài nguyên vô tận, là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay, đồng thời, ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, kết quả đạt được và những đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học nói riêng và ngành KH&CN nói chung cho đất nước. Thủ tướng cũng đánh giá cao điểm đặc biệt của Giải thưởng năm nay, bên cạnh việc chọn ra đề tài xuất sắc, còn xét tới cả những nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện khó khăn, nỗ lực vượt qua các rào cản để giúp nền khoa học Việt Nam hội nhập với thế giới. Ngành KH&CN cần tập trung triển khai 6 nhiệm vụ, giải pháp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành KH&CN cần tập trung triển khai 6 nhiệm vụ, giải pháp:
1) các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị;
2) tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KH,CN&ĐMST,…;
3) các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KH&CN về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực;
4) các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH,CN&ĐMST là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp;
5) có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước;
6) các nhà khoa học cần nhận thức trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro.
Nhiều thành công quan trọng của Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt báo cáo những kết quả đạt được của ngành KH&CN
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã báo cáo những kết quả đạt được của ngành KH&CN. Bộ trưởng cho biết, trong nhiều năm qua, pháp luật về KH&CN luôn được quan tâm xây dựng và sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, có thể kể đến: Luật KH&CN năm 2000, 2013; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; 2017; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đo lường năm 2011…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, các đạo luật này cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành ngày càng hoàn thiện, đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ hơn cho hoạt động khoa học, công nghệ và quản lý. Nhờ đó, ngành KH&CN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tính đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua đã cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Năm 2023, Việt Nam xếp 46/132 quốc gia/nền kinh tế (đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á), duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.
Bộ KH&CN đã xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia và xây dựng, thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST.
Nhân dịp Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và Kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN, 2 nhà khoa học xuất sắc đã được vinh danh và trao Giải thưởng Tạ Qung Bửu là PGS.TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh nhờ vào những công trình xuất sắc của mình.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được trao Giải thưởng qua công trình được công bố trên Tạp chí Physical Review Letters (tạp chí khoa học hàng đầu thế giới ngành vật lý). Công trình thể hiện 3 kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển công nghệ máy tính lượng tử. GS. Kiselev (đồng tác giả của công trình) nói, ý tưởng của TS Nguyễn Thị Kim Thanh là một kiệt tác tao nhã về vật lý hiện đại.
PGS.TS Trần Mạnh Trí – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội được trao Giải thưởng qua cụm 3 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen. Những công trình này góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.
Tùng Lâm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ