Các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được quan tâm đầu tư nhằm cung cấp những căn cứ khoa học, thực tiễn để phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày 13/3/2021, Bộ Tài nguyên và môi trường đã công bố Báo cáo Đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu cho thấy dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng. Trong đó có sự đóng góp của việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển đổi ngành nghề phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được quan tâm đầu tư nhằm cung cấp những căn cứ khoa học, thực tiễn để phát triển bền vững vùng ĐBSCL một cách căn cơ, bài bản với tầm nhìn dài hạn như nghiên cứu tạo các giống cây trồng, cải tạo đất; phòng chống thiên tai, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển; Nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất; Giám sát tài nguyên nước mặt và cảnh báo hạn hán; đánh giá nguyên nhân gây ra xói lở bờ sông tại một số vùng trọng điểm và đề xuất một số định hướng về giải pháp công trình và phi công trình; Thử nghiệm và đề xuất các giải pháp, công nghệ ngăn ngừa, phòng, chống, giảm nhẹ tác động khắc phục hậu quả của thiên tai; Phát triển hệ thống giám sát BĐKH ở ĐBSCL…
Nhiều hoạt động KH&CN được các địa phương tích cực triển khai, điển hình như nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học, biến đổi gen, đề xuất mô hình chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp trên nền đất lúa (tỉnh Tiền Giang); Triển khai nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao (thành phố Cần Thơ)…
Định hướng trọng tâm thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL trong giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030, xác định cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hướng đến phát triển kinh tế số, chuyển đổi số dựa vào tiềm năng, thế mạnh của vùng. Sớm phê duyệt và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025.
Cùng với việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống – xã hội, vùng ĐBSCL nhận được sự đầu tư nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động. Tổng số lao động của vùng chiếm 20% số lao động của cả nước và được coi là một trong các lợi thế của vùng ĐBSCL. Trong những năm qua, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được quan tâm. Mạng lưới đào tạo nghề được sắp xếp lại phục vụ chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, rút dần lao động nông nghiệp chuyển sang ngành công nghiệp dịch vụ.
Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ký và ban hành năm 2017. Đây là Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển ĐBSCL. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, chủ trương “thuận thiên” từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển.
Bắc Lãm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh hoạ. ITN