Đến nay TP HCM vẫn phải loay hoay giải quyết tình trạng ngập do triều cường. Đây là hậu quả của việc đô thị hóa quá ‘nóng’ đi kèm với tốc độ ‘rùa bò’ của các dự án chống ngập suốt nhiều năm qua.
Đã gần 3 tháng sau vụ sạt lở bờ kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh, ảnh hưởng khoảng 13 hộ dân), ông Lê Văn Thành – bảo vệ dân phố tổ 25 quận Bình Thạnh cho biết, nhiều người dân khu vực bị ảnh hưởng vẫn còn lo lắng, có người đêm tới không dám chợp mắt ngủ vì lo nhà cửa bị sạt lở. Theo ông Thành, thời điểm vụ sạt lở xảy ra, chính quyền đã hỗ trợ cho các hộ dân di dời ở tạm các căn hộ chung cư gần đó để khắc phục các điểm sạt lở.
Còn bà Nguyễn Thị Công – trú phường 25 (quận Bình Thạnh) đến nay chưa hết bàng hoàng, kể lại trường hợp điển hình là gia đình con gái của mình ở bán đảo Thanh Đa vào thời điểm sạt lở cuối tháng 7 vừa qua, vào khoảng 4 giờ rưỡi sáng giật mình tỉnh giấc do tiếng động lớn, nhìn lại tá hỏa phát hiện nửa cần nhà đã sụp xuống. “Vừa ở vừa lo sạt lở, sợ thì có sợ đó nhưng nhà mình thì ở, chứ biết đi đâu bây giờ” – bà Công ngậm ngùi.
Hiện nay, chính quyền quận Bình Thạnh và các cơ quan, ban, ngành vẫn đang nỗ lực để ổn định cuộc sống người dân ở khu vực vụ sạt lở. UBND TPHCM cũng chấp thuận phương án sửa chữa bờ kè Thanh Đa ở phường 25 (quận Bình Thạnh) của Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố sau sự cố sạt lở, với tổng kinh phí khoảng 90 tỷ đồng.
Theo báo cáo tiến độ của Sở GTVT TPHCM, để đảm bảo an toàn cho người dân tại Thanh Đa đang trong thời điểm mùa mưa, với các nguy cơ sạt lở và úng ngập cao, một phương án xây dựng kiên cố tuyến kè kênh Thanh Đa (đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh) có chiều dài 478m đã được triển khai nhằm kiên cố bờ kè ven sông, xây hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh cho khu vực này.
Không chỉ riêng tại các khu vực sạt lở, ở một số quận, huyện “vùng trũng”, bao gồm cả TP Thủ Đức cũng thường xuyên bị động ứng phó với nguyên nhân ngập do triều cường, nhất là khi vừa xuất hiện triều cường, vừa có mưa lớn kết hợp. Ngay cả đối với khu vực quận Gò Vấp, được coi là có địa hình cao so với một số quận, huyện khác, nhưng cũng thường xuyên phải “thất thủ” vì triều cường dâng cao.
Có thể kể đến các khu vực ngập “kinh niên” ở quận này như đường Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khối,… Trong đó, đoạn đường Nguyễn Văn Khối hướng từ công viên Làng hoa ra đường Phạm Văn Chiêu thường xuyên ngập từ 35-50cm trên một đoạn kéo dài tới gần 500m, khiến người dân nơi đây bị ảnh hưởng rất lớn.
Để tạm thời xử lý đoạn ngập nặng này, mới đây Sở Xây dựng TPHCM đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn để thực hiện Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Phạm Văn Chiêu (từ đường Lê Đức Thọ đến đường Thống Nhất) và cải tạo hệ thống thoát nước đường Phan Huy Ích.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, tính chung trên toàn địa bàn thành phố đến nay còn khoảng 25 tuyến đường bị ngập nước (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong số này, có 7 tuyến đường bị ngập nặng do triều cường, bao gồm: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu (phân bổ tập trung nhiều tại quận 7 và huyện Nhà Bè).
Ông Đỗ Tấn Long – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, tình hình ngập ở thành phố phức tạp hơn từ đầu mùa mưa đến nay xuất phát từ nguyên nhân chính là hệ thống cống ở nhiều nơi không đủ đáp ứng lượng mưa, chưa kể có một số tuyến đường vẫn chưa có hệ thống gom nước. “Đa số tuyến cống của TPHCM đã sử dụng nhiều năm qua nên tiết diện cống thoát nước chưa được đầu tư để đáp ứng thoát nước với tình hình ngập úng ngày càng phức tạp hơn” – ông Long nêu quan điểm.
Lê Anh – Báo Đại Đoàn Kết
Theo Đại Đoàn Kết
Ảnh: Người dân tại TP Thủ Đức bì bõm dưới đường ngập nước do triều cường.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://daidoanket.vn/kho-voi-ngap-ung-do-trieu-cuong-5740193.html