Cứ đến mùa mưa bão, người dân sinh sống dưới chân núi Gành (xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) luôn thấp thỏm lo sợ vì đất đá trên núi liên tục sạt lở, làm hư hại nhà cửa, ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngày 4/10, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định) Phạm Dũng Luận cho biết, địa phương đã tiến hành kiểm kê xong hiện trạng đất đai, nhà cửa và tài sản khác của 36 hộ dân sinh sống dưới chân núi Gành thuộc thôn Đức Phổ 1 (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) để thực hiện việc di dời đến nơi ở mới.
Đối với khu tái định cư cho 36 hộ dân này, lãnh đạo huyện Phù Cát cho biết, công trình được triển khai thi công từ đầu năm 2021, đến nay cơ bản đã hoàn thành, đủ các điều kiện về hạ tầng giao thông, điện nước sinh hoạt để giao cho người dân đến xây dựng nhà cửa. Hiện nay, mặc dù phương án bồi thường, bố trí tái định cư đã xây dựng hoàn thiện và đang công bố đến người dân nhưng việc di dời bà con đến nơi ở mới trước mùa mưa bão năm nay rất khó thực hiện được vì nếu được bố trí đất kịp thời, người dân cũng phải tốn nhiều thời gian để xây dựng nhà cửa.
Chính quyền huyện Phù Cát và xã Cát Minh cũng đang tập trung vận động người dân đồng thuận việc di dời nhà cửa đến nơi ở mới trong thời gian sớm nhất. Địa phương cam kết sẽ hỗ trợ người dân được hưởng đầy đủ các chính sách về di dời dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai của Chính phủ và UBND tỉnh để có điều kiện xây dựng nhà cửa, an cư lạc nghiệp.
Trước đó, ngày 14/9, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giao cho UBND huyện Phù Cát xây dựng phương án bố trí đất tái định cư cho 36 hộ dân sinh sống dưới chân núi Gành. Đồng thời, thực hiện bồi thường đất ở tại nơi di dời, xác định số tiền phải nộp cho lô đất tái định cư, tiền miễn giảm, tiền hỗ trợ tháo dỡ nhà cửa và vật kiến trúc.
Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa bão, người dân sinh sống dưới chân núi Gành luôn thấp thỏm lo sợ vì đất đá trên núi liên tục sạt lở, làm hư hại nhà cửa, ảnh hưởng đến tính mạng. Có 82 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 36 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp cần được di dời khẩn cấp.
Ngoài khu vực núi Gành, trên địa bàn tỉnh Bình Định còn có 11 khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản được Bộ Chủ huy Quân sự tỉnh rà soát, lập bản đồ vào cuối năm 2020. Trong đó, huyện Hoài Ân có 4 khu vực, huyện An Lão có 3 khu vực, huyện Vĩnh Thạnh có 2 khu vực và thành phố Quy Nhơn có 2 khu vực. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, hiện ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh vẫn đang xây dựng và trình phê duyệt phương án di dời người dân đến nơi định cư an toàn lâu dài. Trước mắt, tỉnh đã có phương án di dời tạm thời nếu bão lũ xảy ra, đe dọa tình mạng và tài sản người dân.
Trong mùa mưa bão năm 2020 và những năm trước, TTXVN đã có nhiều bài viết phản ánh nguy cơ sạt lở đất đá tại khu vực núi Gành và một số khu vực khác trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Tường Quân (TTXVN)
Theo Tin tức TTXVN
Ảnh: Núi Gành bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa tính mạng, tài sản người dân sống dưới chân núi. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây: