Khi rác thải và mùi hôi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân TP. HCM

Những tưởng một trong những đô thị lớn và hiện đại bậc nhất cả nước như TP. HCM sẽ là nơi để người dân ‘an cư lạc nghiệp’. Thế nhưng, trong thời gian qua, thành phố lớn này bị bủa vây bởi rác thải và tấn công của mùi hôi. Dù là các quận ở xa trung thâm như Quận 12 hay một trong các khu dân cư đắt đỏ như Quận 7 đều trở thành nạn nhân.

Nỗi khổ không của riêng ai

Trong thời gian gần đây, người dân ở khu vực phía nam Sài Gòn như Nhà Bè, Bình Chánh, Quận 7, Quận 8… liên tục kêu cứu trước tình trạng mùi hôi từ rác thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của họ. Nhiều hộ gia đình đã tìm cách bán gấp nhà cửa để tìm được nơi ở mới. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như thế, bởi chuyện khu vực này ô nhiễm mùi hôi, ai cũng biết thì làm gì chịu mua.

Ở khu vực xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM, các hộ dân tại đây đều phải đóng cửa chính lẫn cửa sổ nhà vì thể chịu nổi mùi hôi kinh khủng này. Dù cho có sử dụng máy lọc không khí, máy lạnh và quạt nhưng mùi khó chịu này cũng chỉ bớt đi phần nào chứ không hoàn toàn triệt để.

Nguyên nhân ô nhiễm không khí được xác định là do ảnh hưởng của bãi rác Đa Phước (Huyện Bình Chánh, TP. HCM) ở gần khu vực này. Những sai phạm ở trong việc xử l1y rác ở khu vực này mà trong thời gian qua báo chí có đưa tin cũng như công nghệ xử lý rác còn yếu kém của nước ta, đang giết dần mòn những người dân xung quanh trong mùi hôi ngộp thở.

Sự ô nhiễm từ bãi rác Đa Phước khiến người dân chết dần chết mòn trong mùi hôi

Một khu vực khác ô nhiễm không kém là ở Phường Thạnh Xuân nói riêng và trên địa bàn Quận 12 nói chung. Mặc dù là vùng đất đang dần phát triển bởi sự tập trung của các xí nghiệp, nhà máy và là ngõ giao thông khá quan trọng của thành phố nối liền với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhưng Quận 12 vẫn đang phải đối mặt với nỗi kinh hoàng ô nhiễm không khí do chính sự phát triển này gây ra.

Đặc trưng của khu vực này có lẽ chính là những dòng kênh đen ngòm, nước đặc quánh và mùi hôi nồng nặc. Nổi bật nhất chắc là sông Vàm Thuật và kênh Tham Lương. Khung cảnh hoang tại đây khiến người ta phải lắc đầu ngao ngán bởi cây cối hai bờ chết khô, nước ô nhiễm đến mức không một sinh vật nào sống được và chất lượng cuộc sống của hàng ngàn hộ dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải sống cùng mùi hôi thối từ sự ô nhiễm đang ở mức báo động.

Nguyên nhân được cho là bởi các nhà máy, xí nghiệp nằm sát vách với khu dân cư nhưng vẫn hoạt động ngày đêm, xả thải trực tiếp ra bên ngoài môi trường. Mùi hôi thối khiến sức khỏe của người dân suy giảm, thêm phần các khu công nghiệp hoạt động ngày đêm, ồn ào đến mức chẳng ai ngủ được. Được biết, quần thể xí nghiệp, nhà máy này đều tồn tại từ trước năm 2000 và đến măm 2017, UBND TP. HCM đã có quyết định di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư ở Quận 12. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, các nhà máy này vẫn tồn tại và hoạt động với tần suất ngày càng cao hơn.

Nước sông Vàm Thuật đen quánh, bốc mùi hôi kinh khủng

Câu chuyện rác thải và mùi hôi ở TP. HCM

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường TP. HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố mỗi ngày phát sinh khoảng 8.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt, khoảng 350-400 tấn/ngày chất thải nguy hại và khoảng 21,4 tấn/ngày chất thải y tế nguy hại. Ngoài ra, những rác thải từ các khu công nghiệp, nhà máy không được xử lý hiệu quả không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, mà còn làm mất mỹ quan đô thị và môi trường tự nhiên.

Dự báo cho thấy, tỷ lệ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 5-6%/năm. Cụ thể, vào năm 2020 là 10.081 tấn/ngày và 2025 là 12.864 tấn/ngày); chất thải rắn công nghiệp của năm 2020 là 1.922 tấn/ngày và 2025 là 2.497 tấn/ngày; chất thải nguy hại sẽ tăng cỡ 8%/năm (2020 là 549 tấn/ngày và 2025 là 807 tấn/ngày); chất thải rắn y tế tăng 10%/năm (2020 là 30 tấn/ngày và 2025 là 50,5 tấn/ngày).

Những số liệu trên cho thấy, số lượng rác ở TP. HCM đang ngày càng tăng cao và kéo chất lượng cuộc sống đi xuống đến mức báo động. Bên cạnh sự tác động từ các khu công nghiệp hay bãi rác, thì ý thức của người dân cũng là một yếu tố quan trọng tác động không nhỏ đến sự ô nhiễm cục bộ này. Ngoài ra, dù việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xả rác đã được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập và chưa được triển khai một cách hợp lý.

Hơn hết là các cơ quan ban ngành cũng cần phải tuyên truyền mạnh mẽ và hiệu quả đối với người dân để họ hiểu được ô nhiễm không khí đã và đang gây ra ảnh hưởng gì đối với cuộc sống của chính họ, Hy vọng trong thời gian sắp tới TP. HCM sẽ mạnh tay hơn trong việc xử phạt các hành vi vi phạm và thực hiện được mục tiêu trở thành đô thị xanh – sạch – đẹp như đã đề ra!

Hữu Long – Báo Sao Pháp Luật

Theo Sao Pháp Luật

Ảnh: Những con kênh đầy rác thải ở TP. HCM

Xem bài viết gốc tại đây:

http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/khi-rac-thai-va-mui-hoi-tro-thanh-noi-am-anh-kinh-hoang-cua-nguoi-dan-tp-hcm-4409/