Khi nào ‘xóa’ xong bếp than tổ ong?

Theo đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, nếu chỉ bằng quyết định hành chính, khó có thể chấm dứt việc sử dụng than tổ ong cũng như việc đốt rơm rạ trên địa bàn, mà phải có chính sách hỗ trợ, vận động nhân dân thực hiện…

Chờ hỗ trợ

Từ đầu tháng 1/2021, bà Bích, bán bún ngan ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dừng dùng than tổ ong. Bà đầu tư một bộ bếp điện trị giá hơn ba triệu đồng để tiếp tục buôn bán. Dù đổi bếp, nhưng giá bán bún, miến của bà Bích vẫn không thay đổi. Nhưng bà Bích e ngại chi phí sẽ tăng thêm vì phải trả thêm tiền điện. “Ngày xưa dùng bếp than tổ ong chi phí rẻ hơn nhiều so với sử dụng bếp điện, tuy nhiên, chính quyền đã vận động cũng nên thay đổi, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tuân thủ theo quyết định của thành phố”, bà Bích nói.

Nhưng không phải ai cũng chủ động dừng sử dụng than tổ ong như bà Bích. Cách đó vài bước chân, trên phố Trần Nhân Tông, một cửa hàng vẫn sử dụng hai bếp than tổ ong. Chia sẻ với phóng viên, người chủ cửa hàng cho biết, chính quyền địa phương cũng đã đến tuyên truyền, ngừng sử dụng than tổ ong từ đầu năm 2021. Gia đình đã giảm 2 bếp, còn sử dụng 2 bếp để duy trì công việc buôn bán.

“Như chúng tôi gia đình buôn bán nhỏ lẻ, nếu đầu tư bếp điện thì chi phí khá lớn, mà chưa thấy được hỗ trợ gì nên vẫn tiếp tục sử dụng. Chúng tôi không cần phải cho không, nhưng nên có tổ chức đứng ra cho vay ưu đãi để chúng tôi đầu tư bếp điện phục vụ cuộc sống, kinh doanh. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của thành phố về việc dừng sử dụng than tổ ong”, người phụ nữ cho biết. Chị này cũng cho rằng, cũng nhiều người hỏi, sao chỗ tôi dừng rồi mà chỗ chị chưa dừng… “Chỉ cần có hỗ trợ, chúng tôi dừng ngay lập tức chứ cũng không có vấn đề gì”, chị này khẳng định.

Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) từng chỉ ra 12 nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố gồm khí thải từ ô tô xe máy; đun bếp than tổ ong, bếp củi; xây dựng, phá dỡ công trình chưa kiểm soát được nguồn bụi; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước; mùi hôi thối, ô nhiễm từ các khu chăn nuôi chưa đạt chuẩn; đốt rơm rạ ở các quận, huyện; quản lý chưa tốt trong thu gom rác thải; ô nhiễm ao hồ lâu năm, bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất của Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận; các nguồn phát thải khác từ con người…

Riêng bếp than tổ ong, năm 2019, theo số liệu thống kê của Sở TN&MT, thành phố Hà Nội có khoảng 55.000 bếp than tổ ong, trung bình mỗi ngày toàn thành phố tiêu thụ hơn 528 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí… Đến năm 2020, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đã giảm hơn 40.000 bếp than tổ ong gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố. Số lượng còn lại không nhiều.

Phải loại bỏ 100% bếp than tổ ong

Theo Chỉ thị của UBND thành phố, từ ngày 1/1/2021, Sở TN&MT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Nghị định 155 ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.’

Cùng với đó, tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh, môi trường, các quy định về quản lý quy hoạch, quản lý đất và các yêu cầu về quản lý kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, nếu chỉ bằng quyết định hành chính, khó có thể chấm dứt việc sử dụng than tổ ong cũng như việc đốt rơm rạ trên địa bàn, mà phải có chính sách hỗ trợ, vận động nhân dân thực hiện…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa có chỉ đạo triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn, yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân từ đầu năm 2021 để kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than/than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.

“UBND các quận, huyện thị xã phải tập trung, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, hoàn thành chỉ tiêu loại bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố; từ 6/1/2021, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo việc thu gom triệt để rác thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường; không để tái diễn việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ; tăng cường trồng cây xanh, trồng rừng…”, công văn nêu.

Trường Phong – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Người dân vẫn sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh chụp ngày 13/1/2021. Ảnh: Trường Phong

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/khi-nao-xoa-xong-bep-than-to-ong-1778430.tpo