Khí hậu tương lai sẽ khắc nghiệt hơn trong quá khứ

Các nhà khoa học cảnh báo nếu không có những thay đổi lớn, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng tồi tệ theo thời gian.

Thảm họa ngày càng tồi tệ

Các đợt nắng nóng kỷ lục, lũ lụt kinh hoàng, cháy rừng thiêu đốt và hạn hán dai dẳng nằm trong số những thảm họa mà các nhà khoa học cho biết chúng có thể liên quan đến các hoạt động của con người – chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch. Các nhà nghiên cứu cảnh báo, thế giới phải tìm cách ứng phó với thảm họa khí hậu trong kỷ nguyên mới này, bởi nếu không có những thay đổi lớn, dự báo biến đổi khí hậu sẽ ngày càng tồi tệ theo thời gian.

Stephanie Herring, một nhà khoa học khí hậu tại Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết: “Thời tiết trong tương lai sẽ không giống thời tiết ở quá khứ. Chừng nào chúng ta đang thải ra khí nhà kính với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, chúng ta sẽ phải hứng chịu những tác động tiêu cực”.

Bà Herring đã theo dõi chặt chẽ mối liên hệ giữa thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu kể từ năm 2012, khi bà biên soạn báo cáo đầu tiên có tiêu đề “Giải thích các sự kiện cực đoan từ góc độ khí hậu” cho Bản tin của Hiệp hội Khí tượng Mỹ. Cuộc khảo sát hàng năm có tên gọi “khoa học phân bổ” dựa trên hồ sơ thời tiết và các mô hình khí hậu phức tạp để xác định mức độ ảnh hưởng của các sự kiện riêng lẻ do phát thải của con người. Không mất nhiều thời gian để cuộc khảo sát này thu được bằng chứng về một hành tinh đã biến đổi.

Vào năm 2016, năm nóng nhất mà các nhà khoa học từng ghi nhận, hàng trăm người ở Ấn Độ đã thiệt mạng giữa những đợt nắng nóng chưa từng có. Một vùng nước ấm khổng lồ hình thành ở Thái Bình Dương, tảo độc nở hoa ngoài khơi bờ biển Alaska, làm hại động vật có vỏ và khiến chim biển chết đói. Cường độ của những sự kiện này vượt xa mọi thứ tồn tại trong thế giới tiền công nghiệp.

Ngoài ra, ấn bản mới nhất của báo cáo “Giải thích hiện tượng cực đoan” cho thấy khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020 là thời kỳ ấm nhất và ẩm ướt nhất trong lịch sử nước Nga được ghi nhận – một đợt tan băng nghiêm trọng đến mức không thể xảy ra nếu không phải do biến đổi khí hậu. Lớp băng vĩnh cửu tan chảy mang theo carbon và làm bất ổn nhiều ngôi nhà. Những chú gấu không còn được ngủ đông. Nhà chức trách thủ đô Moscow của Nga đã phải dùng tuyết nhân tạo để tạo không khí tết.

Mới đây, vào mùa hè năm nay, một hiện tượng “vòm nhiệt” đã càn quét vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, thiêu rụi mùa màng, làm mặt đường chảy nhựa và khiến hàng tỷ sinh vật biển bị chết bên trong lớp vỏ của chính chúng. Các bệnh viện có số lượt khám cấp cứu cao gấp 69 lần bình thường; Một cơ sở đặt bệnh nhân trong các túi thi thể chứa đầy đá băng nhằm hạ nhiệt độ bên trong của họ. Hơn 1.000 người chết.

Một phân tích nhanh được tiến hành ngay sau đợt nắng nóng này cho thấy, sóng nhiệt sẽ “gần như không thể xảy ra” nếu không có sự tác động của con người. Kristie Ebi, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe và Môi trường Toàn cầu tại Đại học Washington ở Seattle (Washington, Mỹ) và là người đóng góp cho nghiên cứu về đợt nắng nóng trên cho biết: “Nhiều người đang hứng chịu đau khổ và thậm chí thiệt mạng một cách bất công”.

Theo Ebi, nghiên cứu cho thấy, hơn 1/3 số ca tử vong do sóng nhiệt hiện nay có thể liên quan đến biến đổi khí hậu. Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi – 2 trong số những nhóm người dễ bị tổn thương nhất bởi nhiệt độ cao – đã phải hứng chịu mức nhiệt khắc nghiệt cao hơn gần 4 tỷ ngày vào năm 2020 so với mức trung bình giai đoạn 1986-2005.

Bà Cassandra Rogers, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Washington cũng chỉ ra, số ngày có nhiều đợt nắng nóng lớn mỗi năm đã tăng vọt từ khoảng 20 ngày vào đầu những năm 1980 lên khoảng 150 ngày hiện nay. Bà nói: “Hầu như mỗi ngày từ tháng 6 đến tháng 9 đều có 2 hoặc nhiều đợt nắng nóng xảy ra trên khắp thế giới”.

Mọi sự kiện thời tiết giờ đây đều được đánh dấu

Với sự gia tăng nhiệt độ, biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy các quá trình diễn ra tự nhiên của Trái Đất. Khi bầu khí quyển giữ nhiệt nhiều hơn, đại dương hấp thụ năng lượng đó và biến nó thành nhiên liệu cho các cơn bão. Nhiệt độ cao khiến nước bốc hơi khỏi thảm thực vật và đất, làm tăng khả năng khô hạn.

Không khí ấm hơn cũng có thể giữ được nhiều độ ẩm hơn, gây mưa lớn như trận đại hồng thủy. Những vụ cháy rừng cũng tăng hơn trên thế giới. Nước lũ lên nhanh hơn, gây ẩm ướt hơn.

Khí hậu tương lai sẽ khắc nghiệt hơn trong quá khứ - Ảnh 2
Nước lũ ngập lụt mọi nơi trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Nhà hải dương học Susan Lozier, Trưởng khoa Đại học Khoa học tại Viện Công nghệ Georgia và là chủ tịch Liên minh Địa vật lý Mỹ cho biết: “Thay đổi lượng nhiệt trên Trái Đất cũng thay đổi cách phân bố nhiệt. Các mô hình gió và dòng chảy đại dương đang chuyển dịch. Những cơn mưa trái mùa có thể đến muộn, hoặc không xảy ra”.

Với nhiệt độ toàn cầu đã cao hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, biến đổi khí hậu ngày càng xuất hiện dễ dàng hơn trong các nghiên cứu của các nhà khoa học. Năm 2000, có 14 nghiên cứu có chứa cụm từ “biến đổi khí hậu” được trình bày tại cuộc họp mùa thu của Liên minh Địa vật lý Mỹ. Con số này tăng lên đến 213 vào năm 2020.

Năm nay, chương trình Hội nghị gồm các phiên về khí hậu và thời tiết: “Truyền thông hiệu quả về rủi ro biến đổi khí hậu”; “Những tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng cực đoan và tiềm năng thích ứng đối với nông nghiệp toàn cầu”; “Quá khứ và tương lai của cháy rừng”.

Bà Herring cho biết, mọi sự kiện thời tiết giờ đây đều được đánh dấu, không thể xóa bỏ, bởi thực tế nó đang xảy ra trong một thế giới dần ấm lên. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là tác động của biến đổi khí hậu luôn rõ ràng.

Những thảm họa như cơn lốc xoáy quét qua Kentucky cuối tuần trước là một trong những sự kiện khó xác định nhất. Mặc dù, nhiệt độ cao hơn có thể tạo điều kiện thuận lợi hình thành các cơn giông lớn, đặc biệt trong những tháng mùa đông, nhưng các yếu tố biến một cơn bão thành một cơn lốc xoáy rất phức tạp, các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định sự ấm lên toàn cầu có gây tác động hay không.

Tuy vậy, chắc chắn thế giới vẫn chưa dừng thay đổi. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang tiếp tục thải khí nhà kính vào bầu khí quyển và tiếp tục khiến hành tinh nóng lên.

Sonia Seneviratne, một giáo sư phân tích khí hậu tại Zurich và một chuyên gia về thời tiết khắc nghiệt cho biết: “Chúng ta vẫn đang thải ra khí CO2, có nghĩa là tình hình biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tồi tệ hơn”. Seneviratne là 1 trong số hàng trăm tác giả của báo cáo khí hậu toàn diện do Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 8 năm nay.

Nguyễn Linh (T/h) – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Những hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn xảy ra. (Ảnh minh họa)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/khi-hau-tuong-lai-se-khac-nghiet-hon-trong-qua-khu-62360.html