(Phapluatmoitruong.vn) – Không những khổ bởi quy hoạch treo, dự án treo, người dân ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm còn bức xúc về nạn khai thác cát trắng trái phép.
“Cát tặc” hoành hành
Theo người dân thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, nhiều năm nay, nơi đây thường xuyên có tình trạng khai thác cát trắng tràn lan. Nhiều đoàn xe của một số công ty mang logo “Tam Đa, Hóa” ngang nhiên vận chuyển cát về Nhà máy tuyển rửa cát trắng của Công ty Minexco và Công ty Fico. Thậm chí, có những đêm, doanh nghiệp pha đèn lén lút khai thác cát trắng trong các dự án đang thi công chậm tiến độ. Không những xe tải chở cát ban ngày, mà cả ban đêm pha đèn sáng chói, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của hàng chục hộ dân đang sống tạm bợ trong vùng dự án treo. Người dân bức xúc, đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhưng đến nay việc đâu vẫn còn đấy!
Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị điện tử, tại hiện trường đang có một số đơn vị lén lút khai thác cát trắng. Có khu vực bãi cát bố trí hai, ba máy đào và hàng chục xe tải chở cát suốt ngày, đêm về Nhà máy tuyển rửa cát trắng của Công ty Fico. Nhiều xe tải chở cát rầm rộ trên một số tuyến đường liên thôn và đường ngang qua các dự án đang thi công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và đời sống của hàng chục hộ dân nơi đây…
Một cán bộ hưu trí, ở thôn Thủy Triều, phản ánh: “Từ năm 2014, huyện Cam Lâm đã tiến hành đền bù, thu hồi đất của hàng trăm hộ dân nơi đây để giao cho DN làm dự án. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn đang bỏ hoang, lãng phí đất đai. Nhiều khu vực trong dự án đã và đang bị một số đơn vị lợi dụng khai thác cát trắng trái phép, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để”.
“Riêng tại Dự án BT hệ thống thoát nước mưa-giai đoạn II và Dự án BT hệ thống các tuyến đường nhánh khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh với diện tích hàng trăm ha đang bỏ hoang đã bị “cát tặc” khai thác tận thu với khối lượng cát trắng khá lớn. Thậm chí, có công ty đầu tư dự án tại địa phương đã hợp tác với đơn vị bên ngoài thường xuyên khai thác cát trắng lậu. Hầu hết cát khai thác được đưa về Nhà máy tuyển rửa cát trắng của Công ty Fico. Sau đó, công ty thường xuyên xuất bán cát trắng ra thị trường trong nước với khối lượng khá lớn…” – Một số người dân xóm 2, thôn Thủy Triều cho hay.
Đường đi của những xe chở cát lậu về NM tuyển rửa của Công ty Fico.
“Dân chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, điện thoại trực tiếp cho Cảnh sát môi trường, chính quyền xã Cam Hải Đông, nhưng đều không nhận được phản hồi, xử lý và nạn “cát tặc” vẫn xảy ra hàng ngày. Trong khi dân chỉ xúc vài xe cát “cọc cạch” về xây nhà, chuồng heo thì chính quyền bắt phạt, gây khó đủ điều…”, ông Đỗ Mạnh Tưởng, ở thôn Thủy Triều, bức xúc.
Địa phương nói gì?
Ông Huỳnh Uy Viễn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho rằng, trên địa bàn chỉ có 02 đơn vị khai thác cát trắng: Công ty Minexco (hiện là Công ty TNHH MTV Khai thác chế biến xuất khẩu khoáng sản Khánh Hòa), nhưng hiện nay đã dừng khai thác và đóng cửa Nhà máy. Riêng Công ty TNHH MTV Cát Cam Ranh – Fico (Công ty Fico) đang hoạt động mạnh cả về khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cát trắng trên thị trường trong nước…
Trả lời một số nội dung xung quanh việc khai thác cát trắng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Sở TN&MT Khánh Hòa cho biết: “Trước đây, Công ty Minexco hoạt động khai thác và chế biến cát trắng xuất khẩu theo Giấy phép số 316/CNNg-KTM của Bộ Công nghiệp nặng cấp ngày 25/8/1990 với diện tích khai thác 350 ha. Từ năm 2013 đến nay, Công ty này đã dừng hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Hiện nay, Công ty đã đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường theo quy định của Luật khoáng sản 2010.
Còn Công ty Fico hiện đang khai thác, chế biến khoáng sản được Bộ Công nghiệp nặng cấp Giấy phép số 268/CNNg/KTM ngày 08/10/1990 với diện tích 263,25 ha, trữ lượng 13.978.320 tấn (Giấy phép không quy định công suất khai thác, độ sâu khai thác và thời hạn khai thác). Đến năm 2012, tại QĐ số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012, mỏ khoáng sản cát trắng này có diện tích còn lại 100 ha, công suất khai thác 200.000 tấn/năm”.
Xe tải chở cát trắng thường xuyên đưa về NM tuyển rửa của Fico.
“Công ty Fico đã được Bộ TN&MT phê duyệt đề án đóng cửa một phần diện tích khai thác khoáng sản cát trắng tại khu vực Thủy Triều, xã Cam Hải Đông theo QĐ số 3576/QĐ-BTNMT ngày 20/12/2022 và QĐ số 3576/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2022. Hiện nay, Công ty Fico đang tiến hành khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cát trắng trên thị trường vẫn theo Giấy phép của Bộ Công nghiệp nặng cấp năm 1990 và thực hiện đề án đóng cửa mỏ đã được Bộ TN&MT phê duyệt theo Luật khoáng sản năm 2010…”, Sở TN&MT tỉnh cung cấp thêm thông tin.
Như vậy, đối chiếu với Điều 84 Luật khoáng sản 2010 thì Công ty Fico hoạt động khai thác khoáng sản cát trắng (khoáng sản đặc biệt) trong suốt thời gian dài khoảng 12 năm (tính từ khi Luật khoáng sản ban hành có hiệu lực năm 2010), điều này có hợp lý? Và giấy phép khai thác khoáng sản đặc biệt cấp cho Công ty là không có thời hạn? Được biết, Bộ Công nghiệp nặng đã không tồn tại từ nhiều năm qua. Không lẽ, Công ty khai thác cát trắng nơi đây hàng trăm năm sau cũng được? (Hiện nay theo Luật khoáng sản, DN khai thác các mỏ khoáng sản phải thông qua đấu giá).
Trà lời điều này, Phó Giám đốc Sở TN&MT Vũ Chí Hiếu khẳng định: “Vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT, sẽ làm rõ và trả lời những thông tin có tính pháp lý, hiệu lực thi hành của Giấy phép khai thác khoáng sản cũng như có phải tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản hay không đối với các khu vực mỏ cát trắng. Sở TN&MT tỉnh chỉ tham mưu UBND tỉnh cấp phép hoạt động đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường…”.
Để tìm hiểu thêm thông tin xung quanh hoạt động khai thác cát trắng tại đây, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương xin lịch làm việc. Tuy nhiên, UBND huyện Cam Lâm nêu lý do UBND xã Cam Hải Đông chưa có báo cáo và cũng chưa nhận được phản ánh của người dân. Còn Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông Nguyễn Đức Trung thì từ chối tiếp xúc, trao đổi thông tin với báo chí. Chủ tịch xã yêu cầu nhà báo đăng ký với Văn phòng UBND xã để bố trí lịch làm việc. Sau đó, ngày 28/06/2023, nhóm PV cũng đã đăng ký với cán bộ văn phòng UBND xã Cam Hải Đông từ nhưng đến nay vẫn “biệt âm vô tín”. PV đã nhiều lần liên lạc theo số máy điện thoại của Văn phòng thì đều bị chặn…
Xe tải chở cát trắng về tích trữ tại bãi chứa trái phép ở xã Cam Hải Đông.
Trước tình trạng khai thác và vận chuyển cát trắng thường xuyên xảy ra trên địa bàn huyện Cam Lâm, nhất là trong khu vực dự án treo, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương sớm vào cuộc, làm rõ những phản ánh nêu trên, góp phần lập lại trật tự khai thác khoáng sản và chống thất thoát tài nguyên quý hiếm quốc gia.
Thiên Bút – Trường Sơn
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử )
Ảnh: Một trong những dự án “treo” bỏ hoang, công ty đang khai thác cát trắng trái phép.
Xem thêm tại đây: Khánh Hòa: Người dân trong vùng dự án “treo” kêu cứu!