Chiều 6/12, ông Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã làm việc với lãnh đạo Công ty CP DAP-Vinachem và Công ty CP Thạch cao Đình Vũ, bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải tỏa bãi gyps Đình Vũ…
Núi bãi thải Phosphogypsum độc hại (viết tắt là gyps) cao hàng chục mét với lượng tồn trữ 3,5 triệu tấn của Công ty Cổ phần DAP Vinachem tại Khu công nghiệp Đình Vũ, thành phố Hải Phòng đã tồn tại suốt nhiều năm, gây lo ngại về mức độ ô nhiễm, gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Theo Báo cáo số 430/BC-DAP ngày 6/7/2021 của Công ty Cổ phần DAP Vinachem, từ năm 2009 đến hết 31/12/2020, cho thấy tổng khối lượng phát sinh trong 12 năm là 4,3 triệu tấn. Khối lượng chế biến và tiêu thụ chỉ đạt 800.000 tấn. Lượng còn tồn trữ là 3,5 triệu tấn.
Để tìm kiếm các giải pháp xử lý, khắc phục ô nhiễm tại bãi thải khổng lồ này, ngày 6/12 vừa qua, ông Lê Trung Kiên Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp liên quan.
Theo ông Lê Trung Kiên, hướng xử lý chất thải được các doanh nghiệp thực hiện trong nhiều năm qua là phù hợp. Tuy nhiên, lượng bã thải còn khá lớn. Trong khi đó, đây là khu vực phát triển kinh tế năng động; là cửa ngõ lớn, quan trọng của thành phố. Vì vậy, cần chung tay giải quyết khẩn trương, giảm lượng bã thải.
Theo đó, ông Kiên yêu cầu các doanh nghiệp và Ban Quản lý Khu Kinh tế thành lập tổ công tác, rà soát lại các công việc đã làm, đề xuất hướng xử lý tiếp theo báo cáo UBND thành phố.
Ông Lê Trung Kiên lưu ý doanh nghiệp cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu, thí nghiệm để chế biến bã thải thành vật liệu san nền.
Hiện nay, Công ty CP DAP-Vinachem đang phối hợp với Công ty CP thạch cao Đình Vũ để xử lý chất thải gyps bằng cách sản xuất thạch cao làm phụ gia xi măng.
Từ tháng 3/2021 đến nay, sản lượng thạch cao tiêu thụ tăng mạnh, đạt 30.000-35.000 tấn/tháng, cung cấp cho 28 doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước.
Tuy nhiên, hiện sản lượng bã thải gyps còn lớn, lên tới hơn 3 triệu tấn. Do đó, cả Công ty CP DAP-Vinachem và Công ty CP Thạch cao Đình Vũ đều nêu kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ cơ chế chính sách để tăng sản lượng tiêu thụ thạch cao nhân tạo; đề nghị UBND thành phố có ý kiến với Bộ Xây dựng sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc văn bản hướng dẫn sử dụng bã thải gyps làm vật liệu san nền, từ đó có đủ căn cứ pháp lý để các đơn vị sử dụng.
Châu Anh/VnEconomy
Theo VnEconomy
Xem bài viết gốc tại đây: