Khai thác nguồn nước ngầm quá mức – lợi bất cập hại

Vừa qua, tại Thụy Điển diễn ra Tuần lễ Nước Thế giới 2022. Tại đây, các diễn giả cảnh báo, nước ngầm – hỗ trợ cung cấp nước uống, hệ thống vệ sinh, trang trại, công nghiệp và hệ sinh thái – đang bị sử dụng quá mức, ô nhiễm và bị lãng quên.

Theo Báo cáo Phát triển Nước Thế giới năm 2022 của Liên Hợp Quốc, nước ngầm chiếm 99% tổng lượng nước ngọt dạng lỏng (không tính nước dưới dạng băng tuyết) trên Trái Đất. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên này chưa được hiểu rõ và do đó, được định giá thấp và quản lý chưa đúng cách.

Nhấn mạnh nhu cầu về nước ngày càng tăng, ông Houngbo – Chủ tịch Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) cho rằng, nhu cầu cấp thiết đối với các nhà hoạch định chính sách là phải hiểu vai trò quan trọng của nước ngầm và quản lý tốt hơn nhu cầu cạnh tranh của các hệ thống nước và vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuần lễ Nước thế giới 2022 có nhiều cuộc thảo luận, gồm trực tuyến và trực tiếp, với chủ đề: “Nhìn ra những điều chưa thấy: Giá trị của Nước”. Phiên thảo luận về nước ngầm, cũng bao gồm các bài thuyết trình của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và các tổ chức khác, nằm trong một số hoạt động mà UN-Water đang đồng tổ chức nhằm làm nổi bật mối liên hệ giữa Mục tiêu phát triển bền vững số 6 (nước và vệ sinh) và các Mục tiêu khác.

Những thảo luận này được kỳ vọng sẽ giúp đưa chương trình nghị sự về nước lên hàng đầu, trước Hội nghị thượng đỉnh về nước ngầm của Liên Hợp Quốc ở Paris (Pháp) vào tháng 12 năm nay và Hội nghị về nước của Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) vào tháng 3/2023, hay còn gọi là Hội nghị đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Thập kỷ hành động “Nước vì Phát triển Bền vững” (2018 – 2028).

Mục tiêu chính của Hội nghị về nước của Liên Hợp Quốc năm 2023 là nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng nước toàn cầu và quyết định hành động phối hợp để đạt được các mục tiêu liên quan đến nước đã được quốc tế thống nhất, bao gồm cả những mục tiêu có trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Nhiều hệ lụy khó lường từ khai thác nguồn nước ngầm quá mức

Tại TP.HCM nguồn nước ngầm hiện nay có vai trò rất lớn, đóng góp nhiều cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay việc khai thác quá mức đã dẫn đến một số hệ quả không chỉ về mặt đời sống, kinh tế, mà còn cả sức khỏe dân cư.

Theo Tiến sĩ Hà Quang Khải – khoa tài nguyên và môi trường, Đại học Bách khoa TP.HCM – cho biết giai đoạn năm 2000 nước ngầm khai thác chỉ từ 200.000m3/ngày, nhưng đến khoảng năm 2012 lượng nước khai thác lên 700.000m3/ngày.

“Việc khai thác quá nhiều, tập trung một số khu vực dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, có thể thấy ở các địa phương như huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè. Tốc độ sụt lún cứ tiếp diễn dẫn đến việc ngập nước”.

Ngoài ra, theo ông Khải, hiện nay thành phố có khoảng 300.000 giếng khoan, khi khai thác quá nhiều lỗ khoan nhưng kỹ thuật khoan kém dẫn đến ô nhiễm trên bề mặt dễ dàng thấm xuống tầng dưới. Khi nguồn nước hạ thấp làm chênh lệch áp lực gây ô nhiễm trên bề mặt.

Không chỉ tác động đến môi trường, cảnh quan, việc sử dụng nước từ khai thác giếng ngầm còn được cảnh báo về các nguy cơ gây ra bệnh cấp tính, mãn tính.

Hải An – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Ảnh minh họa.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/khai-thac-nguon-nuoc-ngam-qua-muc-loi-bat-cap-hai-71074.html