Khai thác khoáng sản: Vì sao doanh nghiệp chây ì hoàn thổ môi trường?

Hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp (DN) sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, thời gian qua, trên cả nước tình trạng chậm hoàn thổ, phục hồi lại môi trường sinh thái hoặc thực hiện mang tính đối phó, diễn ra ngày càng phổ biến.

Vi phạm tràn lan

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng cho biết, địa phương này hiện có có 33 mỏ khai thác đất, đá đã đóng cửa do giấy phép khai thác hết hiệu lực, nhưng vẫn còn có tới 9 mỏ không thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường. Nhức nhối nhất là huyện Hòa Vang với hàng trăm ha đất đang bỏ hoang hóa, hậu quả từ việc khai thác đất, nhưng chưa được cải tạo, phục hồi môi trường như hiện trạng ban đầu sau khi đóng cửa mỏ.

Thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn có 7 điểm mỏ đóng cửa. Từ năm 2010 đến nay, toàn xã có hơn 50ha đất nông nghiệp không sản xuất được do các công ty khai thác đất, đá làm bồi lấp, thi công các dự án, hạ thấp cao trình cải tạo đồng ruộng.

Trên địa bàn huyện Yên Lập, Phú Thọ hiện có 16 đơn vị, DN được UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò khoáng sản theo thẩm quyền và đã tổ chức phê duyệt trữ lượng theo quy định, gồm 14 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 1 mỏ sắt tại khu Ao Bon, xã Lương Sơn, 1 mỏ cát lòng Ngòi Lao, Ngòi Giành. Trong đó, 9 tổ chức giấy phép còn hiệu lực, 7 tổ chức giấy phép đã hết hạn hoặc đã bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực. Tuy nhiên, việc hoàn thổ mặt bằng vẫn chưa được thực hiện triệt để. Đã từng xảy ra các trường hợp tai nạn, mất an toàn do ảnh hưởng của các điểm mỏ không thực hiện các biện pháp hoàn thổ như san gạt, trồng cây xanh… trở lại.

Nhiều năm qua, UBND tỉnh Bình Định đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho 6 DN khai thác cát trên sông Lại Giang, đoạn qua địa phận xã Hoài Đức và thị trấn Bồng Sơn của huyện Hoài Nhơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 6 DN đã hết thời hạn khai thác cát trên sông. Trong đó, duy nhất chỉ có Công ty TNHH Tín Đại Lộc được tiếp tục gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản. Các doanh nghiệp đã dừng khai thác cát trên sông Lại Giang nhiều tháng nay nhưng chưa thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác, để lại dấu tích khai thác nằm nguyên vẹn trên dòng sông là những hầm hố sâu nguy hiểm cho người và động vật.

Con đường cát nằm án ngữ giữa dòng sông DN lấp sông mở đường vận chuyển cát làm cản trở dòng chảy, khiến con sông đang bị bức tử trong thời tiết khô hạn.

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Năm 2019, một nhóm người dân tại địa phương đến mỏ thiếc đã đóng cửa tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An để mót quặng còn sót lại thì bất ngờ mỏ thiếc bị sập khiến 3 người bị vùi lấp và tử vong. Mỏ thiếc này do 1 DN khai thác thiếc và đã đóng cửa từ lâu. Tuy nhiên, việc hoàn thổ sơ sài nên dẫn đến sự việc đau lòng đó.

Để buộc DN hoàn thổ, phục hồi môi trường, từ năm 2015, UBND TP Ðà Nẵng đã ra quyết định yêu cầu các DN nộp tiền ký quỹ 500 triệu đồng/mỏ. Năm 2019, các DN đã đóng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường hơn 24,2 tỷ đồng.

UBND thành phố đã ban hành quyết định xử phạt Công ty CP Vật liệu xây dựng Fococev (mỏ đá Phước Thuận 3, xã Hòa Nhơn) 100 triệu đồng; xử phạt Công ty CP An Tâm, Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh mỗi đơn vị 120 triệu đồng về hành vi chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ… Thế nhưng, nhiều DN vẫn chây ì và không thực hiện đúng tiến độ cải tạo, phục hồi môi trường.

Tại Phú Thọ, với 15 DN phải thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, trong đó 7 DN đã thực hiện, 3 DN đang thực hiện, còn 5 DN, Sở TN&MT đang đôn đốc thực hiện.

Mỏ đá Lèn Chùa thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) từng có 3 DN được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác khoáng sản. Sau hàng chục năm khai thác đá xây dựng, đến nay giấy phép khai thác đã hết hạn và DN đã ngừng khai thác. Tuy nhiên, hiện trường để lại là một ao nước có diện tích hàng chục nghìn m2, sâu hàng chục mét.

Ông Phạm Văn Hào, Trưởng phòng TN&MT thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), cho biết, để buộc các DN khai thác đá ở mỏ đá Lèn Chùa thực hiện phương án hoàn thổ, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt là rất khó. Các DN nói rằng không biết lấy đất, đá ở đâu để lấp đầy khu vực Lèn Chùa. Do vậy, sau khi khảo sát thực tế, UBND tỉnh buộc các DN thực hiện phương án lập hàng rào không để người, gia súc đi vào.

Thực tế, nhiều DN không chấp hành quy định hoàn thổ vì mức xử phạt theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quá thấp, DN không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100 – 250 triệu đồng, không đủ sức răn đe, trong khi nếu phải hoàn thổ thì chi phí bỏ ra lớn hơn nhiều.

Lam Hạnh – Báo Pháp Luật VN

Theo Pháp Luật VN

Ảnh: Đất đai ở Hòa Vang (Đà Nẵng) bị bỏ hoang hóa sau khi các mỏ đã đóng cửa

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baophapluat.vn/kinh-te/khai-thac-khoang-san-vi-sao-doanh-nghiep-chay-i-hoan-tho-moi-truong-514097.html