Kết hợp các giải pháp làm sống lại các dòng sông

Ngày nay, phát triển kinh tế, xã hội, sự tăng dân số và đô thị hóa mạnh mẽ đang có tác động tích cực thay đổi diện mạo và đời sống hiện đại của thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập do quy hoạch không đồng bộ; phát triển thiếu bền vững; coi nhẹ bảo vệ và cải thiện cảnh quan, môi trường.

Nhân Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông 14/3, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Hiện trạng ô nhiễm các dòng sông nội đô Hà Nội vẫn đang là nỗi nhức nhối làm ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan một đô thị Thủ đô của cả nước, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày khu vực Hà Nội có khoảng 350.000 – 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000 m3 rác thải, trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.

Từ nhiều năm trước, Hà Nội đã đưa ra và thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm và làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô. Tuy nhiên, những giải pháp đã thực hiện đến nay chưa đem lại hiệu quả. Hiện trạng ô nhiễm các dòng sông nội đô Hà Nội vẫn đang là nỗi nhức nhối làm ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan một đô thị thủ đô của cả nước, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Một điều đáng lo ngại đó là ý tưởng cống hóa các sông nội đô Hà Nội. Nếu ý tưởng này được thực hiện sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, môi trường của thành phố xanh, sạch đẹp.

Mối tương quan giữa các yếu tố sức khỏe của các dòng sông nội đô với phát triển kinh tế – xã hội, cảnh quan môi trường của quốc gia, đô thị và thủ đô được thể hiện rất chặt chẽ. Giữ gìn “quyền của các dòng sông”, giữ gìn sức khỏe các dòng sông chính là giữ gìn quyền sống, phát triển của quốc gia, dân tộc và chính con người hôm nay và mai sau.

Với nhiều đô thị trên thế giới, những dòng sông đã trở thành linh hồn, là mạch nguồn sự sống nhưng quá trình công nghiệp hóa – đô thị hóa đã “bức tử” những con sông tự nhiên này. Nhằm phục hồi những dòng sông, thế giới đã có những nhiều mô hình thành công, ông có thể chia sẻ cụ thể về những mô hình này để Việt Nam có thể áp dụng thành công trong thời gian tới?

Một trong số mô hình thành công ở các quốc gia châu Á là Nhật Bản. Những năm 1960 – 1970, các sông đô thị ở Tokyo vẫn có rác thải ngập đầy mặt sông, ngay cạnh là biển cấm đổ rác. Cũng như Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến sông nước phải nhường cho đường giao thông. Sau nhiều năm, kênh rạch ngày càng ô nhiễm bởi nước thải và công nghiệp, nước thải, rác thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện.

Để có được môi trường sạch, Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp tổng thể, từ hệ thống pháp luật đến xây dựng hệ thống quản lý, điều phối rác thải, xử lý nước thải tiên tiến. Hệ thống nhà vệ sinh hiện đại nhất thế giới, khiến sông ngòi đỡ ô nhiễm hơn. Năm 1993, Luật Môi trường đã được thông qua để bảo vệ các đầu nguồn của các dòng sông, trong đó siết chặt quy định buộc ngành công nghiệp phải xử lý và lọc nước thải; đồng thời phạt nặng hành vi vi phạm. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển của công nghệ xử lý nước. Trong khi đó, các hộ gia đình và các nhà máy đều nhận thức được rằng, kiểm soát ô nhiễm tại các nguồn là cách tốt nhất để làm sạch nước.

Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm phục hồi các dòng sông nội đô, đặc biệt là kinh nghiệm làm “sống lại” sông Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, người ta sẽ nghĩ ngay đến con kênh ô nhiễm bậc nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh với màu nước đen đặc, đầy rác và hôi thối, sinh vật khó lòng sống nổi. Giờ đây, nước kênh đã xanh trở lại, cá bơi lội dưới kênh. Với 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực kênh, trong đó hầu hết là người nghèo có hệ thống thu gom nước thải tập trung, trực tiếp được hưởng lợi thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt. Đêm đêm ánh đèn trên đường và dưới chân cầu bắc qua kênh chiếu sáng, soi rõ màu nước xanh trong. Người dân xung quanh tản bộ dọc bờ kênh hóng mát, tập thể dục… Hai bên kênh, quán xá đông đúc, không khí buôn bán đậm chất Sài thành…

Ngoài việc phục hồi lại kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Thành phố Hồ Chí Minh còn có dự án cải tạo thành công kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, đạt được đa mục tiêu về nâng cao điều kiện sống của hơn 1 triệu người dân với nhiều thế hệ sinh sống dọc hai bên bờ kênh vốn ô nhiễm trầm trọng và thường xuyên ngập lụt. Giá trị đất đai nhà cửa cũng nhờ đó được tăng cao, tình trạng bệnh tật được đẩy lùi. Phúc lợi công cộng, an sinh xã hội được đầu tư đầy đủ, diện mạo của khu vực thay đổi tích cực một cách rõ rệt và nhanh chóng.

Thời gian gần đây, nhiều nghiên cứu và các giải pháp cải tạo sông nội đô Hà Nội được đề xuất bước đầu đã có chuyển biến tích cực về tiêu thoát nước, cải tạo cảnh quan. Theo ông, thời gian tới, Hà Nội cần có giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt ra sao để giữ gìn, bảo vệ “quyền của các dòng sông” ?

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm và khôi phục các sông nội đô cần sự quyết tâm lớn của chính quyền thủ đô; đồng thời nhìn nhận tầm quan trọng vô cùng to lớn của các dòng sông đối với sự phát triển bền vững của Hà Nội và đất nước. Chúng ta có thể đầu tư những con đường, những tòa nhà chọc trời, nhưng chúng ta cũng không thể không làm sống lại những dòng sông, nguồn sống và linh hồn của chính thủ đô. Những bài học của Hà Nội sẽ là bài học cho các thành phố, đô thị và đất nước trong việc giữ gìn, bảo vệ “quyền của các dòng sông”.

Do đó, các giải pháp đề xuất cần mang tính tổng hợp và đồng bộ, tức là giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước, môi trường nước phải kết hợp với các giải pháp bổ cập nguồn nước để làm sống lại các dòng sông nội đô, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho Hà Nội. Các giải pháp phải xem xét tới quy luật vận động của dòng chảy và tự nhiên với phạm vi ảnh hưởng của các hệ thống sông khác tưới cho Hà Nội như: sông Đà, sông Hồng, sông Đuống. Bên cạnh đó, cần xét tới nhu cầu, mong muốn người dân và phải tích hợp trong quy hoạch các ngành khác như tiêu úng, thoát lũ, cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt, phát triển không gian, bảo vệ môi trường, các yếu tố cảnh quan, lịch sử, địa lý, văn hóa và tâm linh, không nên cống hóa các dòng sông nội đô vì bất cứ một lý do gì.

Đối với một quốc gia, nước là máu, sông chính là mạch máu như đối với con người. Năm 2021, thế giới kỷ niệm Ngày hành động vì các dòng sông với chủ đề “Quyền của các dòng sông” để nói lên rằng các con sông có quyền sống và đó cũng là bảo đảm quyền sống cho chính con người.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Diệu Thúy/TTXVN (Thực hiện)

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Đoạn trên sông Tô Lịch gần đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) được chọn để lắp đặt máy lọc. Đây được đánh giá là một trong những đoạn ô nhiễm nặng nhất của sông Tô Lịch khi có nhiều cống nước thải lớn, nhỏ trực tiếp xả ra. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/ket-hop-cac-giai-phap-lam-song-lai-cac-dong-song-20210311094017206.htm