Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ dòng kênh ‘chết’ đến biểu tượng xanh

Từng là dòng kênh nước đen ô nhiễm, với những khu nhà ổ chuột đầy rác thải nhưng sau nhiều nỗ lực cải tạo, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã trở lại vẻ trong xanh vốn có.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một trong những dòng kênh chảy xuyên tâm TP.HCM. Con kênh này chảy qua các quận: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Dòng kênh không những có nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, mà còn giúp thu nguồn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân sinh sống thuộc lưu vực này.

Thế nhưng cùng với quá trình đô thị hóa, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng từng bị ô nhiễm nghiêm trọng, toàn bộ dòng kênh gần như đã biến thành dòng kênh “chết”. Phải sau nhiều năm cải tạo, dòng kênh đã chuyển mình, từ một con kênh đen, hôi thối trở lại vẻ trong xanh ngày trước.

Cụ thể, từ năm 1993, TP.HCM đã có kế hoạch đầu tư cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, với dự án giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ cùng với việc xây dựng hai tuyến đường ven kênh.

Năm 2003, kế hoạch “hồi sinh” dòng kênh tiếp tục được thực hiện bằng dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ nguồn vốn tài trợ của ngân hàng quốc tế. Dự án có số vốn hơn 300 triệu USD, với các hạng mục chính như nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải.

Khi dự án đi vào vận hành, toàn bộ nước thải sinh hoạt trên lưu vực sẽ không đổ xuống kênh mà chảy vào tuyến cống bao, như một tuyến kênh ngầm để chảy về trạm bơm xử lý. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chỉ tiếp nhận nước mưa và nước từ sông Sài Gòn chảy vào, nhờ đó nước kênh sẽ dần dần trong xanh trở lại.

Cùng với cải thiện chất lượng nước và môi trường, TP.HCM đã đầu tư rất nhiều vào công tác chỉnh trang đô thị, thực hiện sáng tạo nhiều mô hình để cải thiện điều kiện sinh sống và kinh tế cho người dân dọc theo khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh đã bắt đầu từ tháng 3/1993. Đến năm 2000, thành phố đã di dời và tái định cư cho khoảng 9.300 hộ dân, sử dụng nguồn vốn từ việc bán hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Thành phố đã chọn các khu đất công rồi huy động doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích xây dựng nhà tái định cư với chính sách giá đặc biệt tại các quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình,… Thành phố còn tạo điều kiện cho người dân bằng cách bán nhà tái định cư trả góp 10 năm. Kết quả là một thành công trong việc xóa nhà tạm ven kênh mà các địa phương khác trên cả nước và cả nước ngoài cũng phải thán phục, đến tham quan học hỏi.

tm-img-alt
Đường Trường Sa và Hoàng Sa dọc hai bên bờ kênh. (Ảnh: VietnamNet)

Sau khi giải tỏa được hàng ngàn căn nhà tạm, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa dọc hai bên bờ kênh, thể hiện tinh thần hướng về biển đảo quê hương. Làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh, xây dựng công viên dọc theo hai tuyến đường này. Đến nay, hai con đường xinh đẹp đã rợp bóng cây xanh với vỉa hè thoáng đãng, trở thành nơi vui chơi, nghỉ ngơi hóng mát và tập luyện thể dục, thể thao cho người dân.

tm-img-alt
TP.HCM cho triển khai tuyến du lịch đường thủy nội thị trên kênh.

Cuối năm 2015, thành phố bắt đầu triển khai tuyến du lịch đường thủy nội thị đầu tiên trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Đây là hoạt động rất được người dân quan tâm, mong đợi. Lộ trình tuyến du lịch gồm 4,5 km đi qua quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận với thời lượng khoảng 1 giờ, bằng thuyền mái che và thuyền phụng nhỏ chèo tay. Khách tham quan được phục vụ nước uống, nghe thuyết minh về lịch sử Sài Gòn, âm nhạc đờn ca tài tử và các trò chơi. Tour du lịch này đã trở thành một sản phẩm du lịch mới rất được hoan nghênh của thành phố.

Việc đầu tư, cải tạo công trình thế kỷ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang bước vào giai đoạn cuối cùng, với Dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2). Theo Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM, dự án sẽ hoàn tất thi công và vận hành thử nhà máy từ năm 2019 – 2024 và vận hành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ năm 2024 – 2029. Dự án này sẽ xử lý nước thải chuẩn loại A trước khi đổ ra sông Sài Gòn với công suất ban đầu vào khoảng 480.000 m3/ngày đêm, và có khả năng được nâng lên tối đa là 850.000 m3/ngày đêm sau khi dự án hoàn thành giai đoạn vận hành thể nghiệm giai đoạn đó.

Ngót nghét 20 năm thực hiện đầu tư, cải tạo với nhiều công trình đan xen quy mô lớn, với hàng chục ngàn tỉ đồng, dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã thực sự được hồi sinh và đây được coi là công trình thế kỷ của TP.HCM.

tm-img-alt
Công nhân vệ sinh môi trường thường xuyên vớt rác trên kênh. (Ảnh: VietnamNet)

Thế nhưng, hiện nay kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang có nguy cơ tái ô nhiễm do thiếu ý thức của một số người sinh sống dọc bờ kênh.

Trước tình trạng trên, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Giao thông – Vận tải triển khai phương án nạo vét, tạo dòng chảy cho kênh.

Theo kế hoạch, việc nạo vét dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ triển khai thành 3 đợt. Đợt 1 nạo vét đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6; đợt 2 nạo vét đoạn từ cầu số 6 đến đường Út Tịch; đợt 3 nạo vét đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn. Tổng khối lượng bùn được nạo vét dự kiến khoảng 122.000m3, tổng kinh phí để nạo vét khoảng 36,5 tỉ đồng. Sau khi dự án hoàn thành, sẽ cải thiện được môi trường sống cho người dân ở hai bên bờ kênh, góp phần giảm thiểu tình trạng cá trong kênh chết vào đầu mỗi mùa mưa.

Được biết, đến ngày 1/10 vừa qua, Trung tâm Quản lý giao thông thủy TP.HCM đã thực hiện nạo vét đoạn cuối cùng của dự án Nạo vét kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Đoạn này từ cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) đến ngã ba sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh), dài 5,8 km. Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm.

Nhật Hạ – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Để có dòng kênh trong xanh như ngày hôm nay, TP.HCM đã phải mất tới gần 20 năm cải tạo. (Ảnh: Internet)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/kenh-nhieu-loc-thi-nghe-tu-dong-kenh-chet-den-bieu-tuong-xanh-50122.html