Đầu tháng 4 đến nay, những cơn mưa đầu mùa tuy không lớn nhưng làm ngập nhiều nơi ở TPHCM, gây khó khăn cho việc đi lại và làm ăn của người dân. Thực tế này đòi hỏi phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống ngập trên địa bàn.
Nắng bụi, mưa ngập
Từ trước Tết Nguyên đán 2022, rào chắn dự án thi công nâng cấp hệ thống thoát nước tuyến đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) nằm án ngữ giữa đường, khiến việc đi lại gặp nhiều bất tiện, nhất là giờ tan tầm. Giờ cao điểm trong ngày, ô tô, xe máy chen chúc qua khu vực này nên thường xảy ra kẹt xe.
Bên cạnh lô cốt, mặt đường qua công trường cũng bị bong tróc, nhấp nhô đá dăm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhiều người điều khiển xe máy đã ngã khi lưu thông qua đây. Công trường gây bụi mịt mù nên người dân kinh doanh, sinh sống hai bên đường hàng ngày phải xịt nước, quét dọn hàng quán, nhà cửa thường xuyên.
Nắng khổ vậy, còn mưa cũng cực không kém. Đầu tháng 4, một cơn mưa lớn kèm gió mạnh tại TP Thủ Đức, các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận; sau khoảng 30 phút, một số tuyến đường như Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) ngập khá nặng, có đoạn đến nửa bánh xe máy.
Chiều 5-4, cơn mưa đổ ào xuống các quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp… Trên đoạn đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), một số phụ huynh phải cõng con, em là học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, vượt qua “biển” nước, đến trường. Một số người điều khiển xe máy đi qua đoạn đường này phải lội bì bõm, vì xe chết máy.
Bà Phan Thị Thùy Linh (ngụ quận Gò Vấp) bán bánh tiêu trước Trường Tiểu học Lê Văn Thọ gần 20 năm, cho biết, mỗi lần mưa to chừng 20 phút là đường Phạm Văn Chiêu ngập gần nửa bánh xe, dù đoạn đường này nhiều lần được sửa.
Cơn mưa chiều 5-4 cũng ảnh hưởng khá lớn đến người dân quận 12. Vừa tát nước, vừa phụ chồng dùng bạt và bao cát chắn trước cửa nhà ngăn nước tràn vào, chị Bùi Thị Ngọc Hải, chủ quán ăn trên đường Nguyễn Văn Quá (phường Đông Hưng Thuận) lắc đầu ngao ngán: “Các cửa hàng kinh doanh ở tuyến đường này buôn bán bữa được, bữa không, vì hễ mưa xuống là ngập hết. Mưa kéo dài hơn nửa tiếng thì nước dâng cao trên mặt đường, tràn vô nhà lên tới đầu gối luôn. Nói chung là người dân rất khổ sở”.
Khổ nhất có lẽ là người dân sống dọc đường Trần Xuân Soạn (quận 7). Nhiều năm qua, mỗi lúc triều cường, hay mưa lớn, cung đường này ngập trong nước; năm sau nước luôn ngập cao hơn năm trước, người lưu thông không biết đâu là đường, đâu là sông.
Chậm tiến độ
Đường Võ Văn Ngân là một trong những tuyến đường trung tâm của TP Thủ Đức, với mật độ phương tiện lưu thông hàng ngày rất cao. Do địa thế dốc, nhiều khu vực ao hồ bị lấp và quá trình đô thị hóa nhanh nên khu vực này thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn.
Từ năm 2017, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân được duyệt nhưng mãi đến giữa tháng 10-2020, dự án mới khởi công với tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng. Công trình được giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng quận Thủ Đức (cũ) làm chủ đầu tư, dự kiến thi công trong vòng 17 tháng, nhưng đến nay chỉ đạt hơn 50% khối lượng thi công.
Trong khi đó, Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018 là dự án được kỳ vọng giải quyết ngập do triều cho vùng diện tích khoảng 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.
Đây là công trình dân sinh được nhiều người dân TPHCM chờ đợi, mong mỏi, nhưng liên tục trễ hẹn. Hồi tháng 11-2020, dự án phải tạm ngưng thi công (khối lượng thi công đạt 90%) do UBND TPHCM chưa ký phụ lục hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) gia hạn thời gian thực hiện (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6-2020).
Đến tháng 4-2021, Thủ tướng ban hành Nghị quyết 40, tháo gỡ vướng mắc để TPHCM tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. UBND TPHCM được giao trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án đúng quy định; đồng thời thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý.
Tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí mới đây, ông Nguyễn Huy Bình, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư – Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (thuộc Sở Xây dựng) cho hay, dự án đã triển khai 90% khối lượng.
Vừa qua, tại dự án này có một số vấn đề liên quan đến thủ tục tái cấp vốn, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành liên quan tập trung xử lý. TPHCM cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước để hoàn thành thủ tục, hỗ trợ thành phố sớm hoàn thành dự án. Hiện các thủ tục, vướng mắc liên quan dự án đã cơ bản giải quyết, TPHCM đang điều chỉnh phụ lục hợp đồng để triển khai các bước tiếp theo.
Đại diện Sở GTVT cho biết, đã giao thanh tra giao thông xử lý nghiêm tình trạng mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên tuyến đường Võ Văn Ngân. Sở cũng có đề nghị TP Thủ Đức chỉ đạo chủ đầu tư đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công dự án nâng cấp hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tư vấn giám sát, nhà thầu. Thời gian tới, nếu chủ đầu tư tiếp tục để xảy ra tình trạng trên sẽ thu hồi giấy phép thi công.
Đức Chung – Báo SGGP
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Ảnh: Đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) sau cơn mưa chiều 5-4
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.sggp.org.vn/i-ach-thi-cong-cong-trinh-chong-ngap-805209.html