Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

Theo Bộ Tài chính, hiện có đến 37 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 0%.

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến về tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 5 tháng đầu năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 14/6, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, với nhiều nỗ lực của Bộ Tài chính, việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn 2021 của các địa phương đã có tiến bộ đáng kể so với 3 tháng đầu năm. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 34.913 tỉ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31/5/2021, kế hoạch vốn năm 2021 nhập TABMIS là bằng 75,54% kế hoạch vốn được giao đầu năm, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương nhập TABMIS bằng 86% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại bằng 63% kế hoạch vốn được giao đầu năm.

Tuy nhiên, ông Trương Hùng Long cho biết, việc giải ngân của các địa phương vẫn rất khó khăn. Theo đó, 5 tháng đầu năm 2021 tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng vốn nước ngoài thuộc khối địa phương mới bằng 1,73% dự toán, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương giải ngân bằng 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân bằng 1,68% kế hoạch vốn được giao đầu năm. Đáng chú ý, trong 63 tỉnh, thành phố thì có đến 37 tỉnh, thành phố chưa giải ngân vốn.

Về tỉ lệ giải ngân, nếu tính riêng kế hoạch vốn được giao năm 2021 thì tỉ lệ giải ngân nêu trên là rất thấp, thấp hơn hẳn tỉ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020. Nếu tính đến số vốn được giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được kéo dài, chuyển nguồn trong 5 tháng đầu năm 2021 thì tỉ lệ giải ngân này cũng vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố cho biết, tác động của đại dịch Covid-19 đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài đã làm chậm tiến độ giải ngân của các địa phương bởi nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát…

Bên cạnh đó, nguyên nhân khác là do các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; chậm phê duyệt chủ tương đầu tư; các khó khăn trong việc xử lý quy định nhà tài trợ do những khác biệt với quy định của Chính phủ; thủ tục điều chỉnh dự án ODA thường kéo dài tới hàng năm nên ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân; ban quản lý dự án còn yếu kém, chưa nhiều kinh nghiệm…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, ngoài các nguyên ngân khách quan nêu trên thì nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm giải ngân nguồn vốn rất quan trọng. Đó là do không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán, chậm xử lý đơn rút vốn; chậm đấu thầu; vướng mắc trong thực hiện hợp đồng; chậm triển khai công việc và xác nhận khối lượng hoàn thành; chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn…

Từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các cơ quan chức năng, các địa phương có chỉ đạo quyết liệt để Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ, đồng thời, các ngành liên quan cần tích cực phối hợp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn. Trong thời gian tới, cần ưu tiên cho những dự án có khả năng giải ngân trong năm 2021 và những dự án sẽ kết thúc trong năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ, có khối lượng hoàn thành.

Cùng với đó, các địa phương cần chủ động điều chỉnh phân bổ cho các dự án trong phạm vi của địa phương. Nếu có nhu cầu điều chỉnh tăng hoặc giảm vốn ODA trong năm thì các địa phương cần đánh giá kỹ và sớm báo cáo, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh trong 6 tháng cuối năm.

37 địa phương có tỉ lệ giải ngân 0%: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa –Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau.

Lưu Nguyên Sơn – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: 5 tháng đầu năm 2021, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng vốn nước ngoài thuộc khối địa phương mới bằng 1,73% dự toán. Ảnh minh họa

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/i-ach-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nguon-von-nuoc-ngoai-325985.html