Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai): Chua chát đất dân khai hoang bị mất trắng?

Người dân khai hoang tạo lập khu kinh tế mới lại bị chính quyền lấy cớ xây dựng công trình công ích chia đất và chặn đường khiếu nại “đòi đất” của dân! 

“Qui hoạch” bất thường!

Theo đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tâm, tổ 12, khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thì vào năm 1975, hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước về phong trào tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới, gia đình bà đã đến vùng đất hoang sơ Cây Gáo, thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Biên Hòa (nay là thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Sau khi khai phá được 6.700 m2 đất, gia đình bà gieo trồng bắp đậu, canh tác được vài năm thì đến năm 1983, UBND tỉnh Đồng Nai triển khai dự án xây dựng công trình Thủy điện Trị An. Phần đất hiện gia đình bà đang canh tác được chính quyền thông báo là nằm trong phạm vi thi công dự án phải di dời, giao mặt bằng.

Năm 1988, công trình thủy điện chính thức đi vào hoạt động, phần đất khai hoang, sản xuất của họ không bị ảnh hưởng gì. Cùng với nhiều hộ dân trở lại khu đất cũ như hộ bà Lê Thị Mộng Thu, Đặng Thị Vân, Hồ Thị Chức, Nguyễn Thị Vân, Trần Thị Thành…, gia đình bà Tâm trở về thửa đất của mình tiếp tục canh tác thì bị người khác ngăn cản, tranh chấp. Trong lúc người dân tản ra tìm kế sinh nhai, chính quyền liền lên sơ đồ, giải thửa chia nhau, sang nhượng, làm nhà, trồng trọt trên mảnh đất mà người dân khai hoang. Hộ bà Tâm cùng 14 hộ dân khác đã bị chính quyền UBND thị trấn Vĩnh An ban hành một loạt QĐ xử phạt vi phạm hành chính, lập đoàn cưỡng chế, triệt hạ chòi quán và còn bị vu oan chiếm đất Nhà nước quản lý!

Điều lạ kỳ là tại Tờ trình số 37 ngày 28/5/2012 của UBND thị trấn Vĩnh An đã thừa nhận diện tích đất tọa lạc tại tổ 1, khu phố 8 thuộc một phần tờ bản đồ số 60, 61, bản đồ địa chính thị trấn Vĩnh An thành lập năm 1998, hiện người dân trước đây khai hoang, nay không nằm trong quy hoạch công trình thủy điện! Tuy nhiên, trên thực tế phần đất này đã được phân lô, đặt tên số thửa và cấy tên đăng ký vào Sổ mục kê về đất đai, thậm chí có một số thửa đã được cấp GCNQSDĐ!

Bà Tâm cũng như nhiều hộ dân khác thắc mắc vì sao đất đai cùng khai hoang, năm 1983 giao đất cho công trình thủy điện, khi dân quay về đất cũ sản xuất thì bị cản trở, bị hành hung, cưỡng chế, trong khi đó, một số hộ dân như gia đình ông Huỳnh Bình thời ấy đương chức Phó Chủ tịch UBND xã Cây Gáo, cùng anh em của ông, gia đình phía bên vợ ông đều trở về “an vị” trên phần đất khai hoang của mình!?

Khi người dân liên tục khiếu nại đòi lại đất thì UBND huyện một mặt bác đơn, mặt khác lại tìm cách “áp” lên khu đất một dự án công ích để hợp thức hóa. Dĩ nhiên cái gọi là dự án chỉ là trên giấy, còn công trình đến bao giờ xây dựng, xây dựng thế nào thì không ai được biết! Ngoài ra, chính quyền còn thêm một “chiêu” câu giờ nữa là nhận hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ ghi biên nhận rồi im lặng luôn!

 Công văn của các cơ quan chức năng yêu cầu chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu xử lý vụ việc khiếu nại.

Nghi vấn trùng trùng

Tại Báo cáo số 09 (BC) ngày 31/5/2002 của UBND thị trấn Vĩnh An về thực trạng khiếu nại của nhiều hộ dân Khu phố 2 thì từ năm 1986, vùng đất này đã cấp cho một số hộ từ hồ Trị An lên (!) Vào năm 1987, hưởng ứng kế hoạch phủ xanh đồi trọc, UBND xã Cây Gáo giao cho cán bộ canh tác, sản xuất, sau đó Hạt Kiểm lâm quy vào trồng rừng phòng hộ theo đơn xin của cán bộ!

Nghi vấn đặt ra, nếu đất đã được Hạt Kiểm lâm đưa vào đất rừng phòng hộ thì căn cứ quy định nào mà cá nhân được phép làm đơn xin công nhận quyền sử dụng đất? Và những cán bộ được hưởng đặc quyền đặc lợi này là ai? Đất quy vào rừng phòng hộ tưởng chừng như ý thức của cán bộ Hạt Kiểm lâm rất cao nhưng thực chất ông Nguyễn Văn Chắn, Hạt trưởng đã chiếm dụng đất của dân kinh tế mới khai hoang từ năm 1975 và đã nhận tiền bồi thường 1,4 ha đất.

Bà Đặng Thị Lý và Chu Văn Huy được cấp đất bởi QĐ số 338 ngày 20/12/1994 của Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp Thủy lợi IV (LHXN). Diện tích được cấp là 36 m2 đất trên khu vực đất khai hoang của dân. Từ QĐ cấp đất trái thẩm quyền này, bà Lý đã có Tờ trình nguồn gốc đất ngày 8/1/1999, không khai diện tích là bao nhiêu nhưng tại Biên bản Họp xét cấp GCNQSDĐ số 14 ngày 7/4/1999 do ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An, chủ tịch Hội đồng xét duyệt đồng ý cấp 300 m2 đất thổ cư, đồng thời xác nhận diện tích “còn lại không cấp”. Qua đây cho thấy thực tế từ diện tích 36 m2 đất được Tổng Giám đốc LHXN cấp, vào thời điểm bấy giờ, bà Lý đã tự nới rộng diện tích trên 300 m2 đất, con số thực tế bà Lý hiện đang sử dụng 5.280 m2! Câu hỏi đặt ra, giữa LHXN và UBND thị trấn Vĩnh An có “bắt tay” hay không trong việc cấp đất vô nguyên tắc cho một vài cá nhân?

Bà Tâm nhận đất trên… giấy!

Bao giờ trả lại quyền lợi cho dân?

Ngày 3/5/2006, tại văn bản số 23 trả lời đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An căn cứ vào ý kiến kết luận của Thanh tra tỉnh Đồng Nai số 6149 ngày 28/9/2005 rằng sẽ phối hợp với UBND huyện xử lý những trường hợp vi phạm, bác đơn khiếu nại của bà Tâm, lấy lý do xây trường mẫu giáo trong khi thực tế đến nay công trình trường mẫu giáo này không hề “mọc lên”!

Ngày 20/10/2009, tại văn bản số 2165 của UBND huyện Vĩnh Cửu, trả lời đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thi Tâm về việc đòi lại phần đất tọa lạc tại khu phố 8. UBND huyện căn cứ vào Báo cáo kết quả xác minh số 46 ngày 28/9/2009 của Thanh tra huyện bác đơn khiếu nại của bà Tâm, UBND huyện đã tiếp quản, khu đất của bà Tâm sẽ xây dựng Nhà Truyền thống huyện! Nhưng thực tế, diện tích đất của bà Tâm đã được phân lô bán nền cho người khác.

Bà Nguyễn Thị Vân, hộ ông Nguyễn Văn Tốt cũng là những người đi kinh tế mới khai hoang được 6.000 m2 đất, bà Vân giao lại toàn bộ diện tích đất này cho công trình thủy điện Trị An, sau khi trở về đất bị chiếm dụng. Hiện bà đang sử dụng một phần đất trồng tràm, đã lập hồ sơ xin đăng ký QSDĐ trên diện tích 2.313 m2 đất, thửa số 20,21, tờ bản đồ 61. Diện tích đất còn lại bị bà Đặng Thị Lý đã đề cập trên, bao chiếm, sang nhượng cho người khác…

Khu đất của dân đang bị những người khác xây dựng, chiếm giữ trái phép.

Sau hàng loạt khiếu kiện của người dân và công luận lên tiếng, từ trung tuần tháng 7/2020 nhiều cơ quan Nhà nước đã có hồi âm. Ngày 21/7/2020, Văn phòng Chủ tịch nước có Văn bản 644/VPCTN-PL, ngày 23/7/2020 Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai có Công văn 1459/PHD/BNCTU, ngày 4/8/2020 UBND tỉnh Đồng Nai có Công văn 9109/UBND-KTN, ngày 14/7/2020 UB Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai có Công văn 133-GBT/UBTTU…, tất cả đều yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu xem xét xử lý vụ việc. Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều công văn của các cơ quan chức năng thúc đẩy chính quyền huyện Vĩnh Cửu xem xét, rà soát, xử lý trả lại đất cho người dân theo quy định. Nhưng lạ thay, vụ việc đang trong quá trình chờ xử lý thì vào sáng ngày 18/8/2020, trên phần đất các hộ dân đang khiếu nại, xuất hiện một người đàn ông tên Phúc chỉ đạo một số người khác đang tiến hành xây dựng hàng rào, trong đó có ông Trần Đăng Khoa, Chuyên viên Phòng Kinh tế Xây dựng huyện Vĩnh Cửu đi theo “bảo vệ”. Khi bà Thu ra ngăn cản thì ông Khoa nói với người đàn ông đang rào chắn chiếm giữ đất trái phép rằng, anh muốn xây dựng và canh tác thì cứ mang giấy đất này ra huyện, tôi sẽ hướng dẫn lập hồ sơ cấp phép xây dựng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!

P. V

(Theo Môi trường và Đô thị số tháng 8/2020)

Ảnh: Khu đất của dân đang bị những người khác xây dựng, chiếm giữ trái phép.

 

Được biết, vào ngày 18/8/2020 UBND huyện Vĩnh Cửu sẽ tiến hành làm việc với các hộ dân khiếu nại mà báo chí đã phản ánh. Hy vọng, khiếu nại của dân sớm được giải quyết. Tuy nhiên chính quyền cần có phương án “giữ nguyên hiện trạng” các phần đất tranh chấp nhằm tránh những phát sinh phức tạp. Điển hình là vào ngày 10/8/2020.