Theo phản ánh của người dân, tại huyện Trảng Bom xuất hiện tình trạng đất trồng lúa bị san lấp để nhằm mục đích ‘biến’ thành đất thổ cư. Việc làm này gây ảnh hưởng đến môi trường, nhiều thửa ruộng đối mặt với khô hạn vào mùa khô, ngập úng vào mùa mưa.
Tình trạng phân lô bán nền tại tỉnh Đồng Nai trở nên “nóng” mấy năm gần đây. Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai, tỉnh này có 1.081 trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng, trong đó, 94 trường hợp vi phạm về phân lô bán nền, gần 600 trường hợp là lấn chiếm đất công… Một trong những nguyên nhân dẫn đến xảy ra sai phạm là công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, còn lỏng lẻo.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục yêu cầu sở, ngành địa phương siết quản lý các giao dịch bất động sản vì lo ngại tình trạng phân lô bán nền trở lại sau khi hết dịch. Theo đó, Phó chủ tịch tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, trong năm 2021, tình trạng phân lô, bán nền, và các vi phạm trong quản lý sử dụng đất tại địa phương có giảm nhưng là do giãn cáchênxã hội vì Covid-19. Vì vậy, khi kết thúc dịch bệnh, tình trạng này sẽ phát sinh trở lại. Do đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, quản lý việc phân lô, bán nền và cũng như tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất giai đoạn đến năm 2020.
Mới đây, tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), người dân phản ánh về việc nhiều chủ đất đã san lấp đất ruộng. Nhiều thửa ruộng đang canh tác được san lấp, cải tạo bề mặt bằng phẳng để biến thành đất thổ cư. Việc san lấp này dẫn đến hệ lụy là ảnh hưởng đến môi trường, nhiều thửa ruộng đối mặt với khô hạn, hoặc ngập úng bởi các đường bao đắp cao phục vụ cho việc phân lô.Theo phản ánh của người dân, tại thửa đất 1150 tờ bản đồ số 41 có diện tích 2652.9 m2 đang được đổ đất san lấp, chuẩn bị biến thành đường. Cùng với việc ngang nhiên san lấp mặt bằng đất ruộng, người dân còn tự ý trồng cột kéo dây điện đến từng thửa đất đã chia lô.
Đất đá lởm chởm ở con đường người san lấp chạy ngang thửa đất số 1149 tờ bản đồ số 41.
Theo đó, xung quanh và giữa các thửa đất lúa xuất hiện nhiều con đường được chia tách, mà phần lớn đều do người dân có đơn xin hiến đất từ năm 2017. Nhiều người cho rằng đây chính là hành vi “lách luật” để hướng tới mục đích biến thành đất thổ cư.
Câu hỏi được đặt ra là, việc người dân san lấp đất ruộng đã diễn ra trong thời gian dài chính quyền đại phương có biết hay không?
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời trên Tạp chí Điện tử Ngày Nay, ông Lê Mạnh Hùng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom cho rằng, đất ruộng lúa nước mà san lấp là sai. Trường hợp các thửa đất nói trên thì Phòng Tài nguyên và Môi trường không biết về việc san lấp này.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hệ lụy của biến bất nông nghiệp thành đất thổ cư là các hộ nông dân có nguy cơ mất đất làm lúa, cuộc sống đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Thực tế cho thấy, nhiều nơi người dân xin hiến đất lúa để mở đường là để hợp thức hóa chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau khi đã san lấp trái phép.
Trả lời báo chí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân lô bán nền trái phép diễn ra ồ ạt trong thời gian qua một phần là do công tác quản lý đất đai lỏng lẻo tại nhiều địa phương, kết hợp với chính sách, luật pháp thiếu sự nhất quán.
Minh Anh – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Người dân phản ánh, ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp này vừa bị phá dỡ, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Xem bài viết gốc tại đây: