Huyện Đông Hải: Sớm đưa Gành Hào đạt chuẩn đô thị loại IV

(Phapluatmoitruong.vn)Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XV) về xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã, những năm gần đây, nền kinh tế huyện Đông Hải đã có nhiều bước phát triển. Hiện tại, địa phương này đang phấn đấu sớm đưa thị trấn Gành Hào đạt chuẩn đô thị loại IV.

Tạo cú hích cho đô thị Gành Hào

Để phát triển thị trấn Gành Hào trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá, huyện Đông Hải đã phối hợp ngành chức năng tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, nhất là về quy hoạch đô thị, không gian đô thị. Đến nay, địa giới hành chính của thị trấn Gành Hào đã phê duyệt 04 Đồ án quy hoạch với quy mô 659,57 ha và được tỉnh công nhận đô thị loại V, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV.

Theo ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, thì địa phương đang tập trung nguồn lực xây dựng thị trấn Gành Hào sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, trong đó điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn này đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô 590 ha. Song song đó, huyện điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu hành chính huyện Đông Hải cũ thành quy mô 28 ha để nhường đất và vị trí thuận lợi cho Gành Hào phát triển kinh tế biển nên Khu hành chính dời về xã Điền Hải. Khu đất này quy hoạch điều chỉnh sang đất phát triển nhà ở đô thị. Đồng thời quy hoạch chi tiết Dự án mở rộng Cảng Cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Gành Hào quy mô 7,2 ha.

Ông Nguyễn Trọng Hán cho biết: “Hiện tại, huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng bến xe Gành Hào, phát triển chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ…, chỉnh trang đô thị sáng – xanh – sạch – đẹp. Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn thực hiện tôn tạo, nâng cấp các công trình lịch sử, văn hoá. Mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đồng bộ các ngành kinh tế khác, như: phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là các dịch vụ lữ hành, thông tin truyền thông, chăm sóc sức khỏe…”.

Ngoài ra, huyện Đông Hải đang tập trung các nguồn vốn đầu tư cho việc vận động nâng cấp cơ sở vật chất điển hình như: Lăng Ông Nam Hải số tiền đầu tư trên 2,5 tỷ đồng; vận động doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nhà thể thao đa năng Thanh Phong số tiền đầu tư trên 15 tỷ đồng; tranh thủ ngành chức năng tỉnh lập quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng biển (Gành Hào) để phát triển du lịch. Đồng thời, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm thương hiệu OCOP.

Ông Nguyễn Trọng Hán – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, khẳng định vai trò của Gành Hào trong tổng thể phát triển kinh tế địa phương.

Riêng với thị trấn Gành Hào, thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Đông Hải, thị trấn Gành Hào cũng đã tổ chức nhiều đợt vận động những hộ dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, tạo điều kiện cho mỹ quan đô thị Gành Hào ngày càng đẹp hơn. Ông Bùi Chí Nguyện, Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào, cho biết: “Dọn dẹp trật tự đô thị là một việc làm khó khăn, kiên trì và mang tính thường xuyên. Trong những năm qua, ngoài việc chỉnh trang thì đơn vị có nhiều cuộc vận động người dân ý thức hơn trong việc lấn chiếm vỉa hè, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Đến nay, thị trấn cơ bản đã khắc phục được những tuyến đường nóng. Sau khi được nâng cấp mở rộng, Gành Hào sẽ sạch đẹp văn minh hơn”.

Quy hoạch Cảng cá Gành Hào lên loại I

Trong việc quy hoạch đô thị Gành Hào thì việc triển khai thực hiện Dự án nâng cấp mở rộng cảng cá Gành Hào lên Cảng cá loại I, đáp ứng hoạt động cho tàu có công suất 600 CV. Hiện huyện có 02 cơ sở đóng mới, cải hoán và sửa chữa tàu thuyền, giải quyết nhu cầu đóng mới và sửa chữa tàu thuyền của ngư dân, có 40 trạm kinh doanh xăng dầu, 26 cơ sở sản xuất nước đá và trên 23 vựa thu mua hải sản (khu vực Cảng cá) cùng nhiều dịch vụ bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa,… đáp ứng dịch vụ hậu cần cho khai thác, đánh bắt thủy sản, góp phần phát triển thương mại thủy sản.

Theo ông Lê Thanh Đạm, Giám đốc BQL Cảng cá và Khu neo đậu tránh bão cho tàu cá tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Là đơn vị đóng trên địa bàn thị trấn Gành Hào, mới đây, đơn vị đã có làm tờ trình để điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng cảng cá Gành Hào với diện tích 6,75ha. Việc điều chỉnh này nhằm sớm đưa cảng cá Gành Hào lên Cảng cá loại I. Công trình trên nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện Đông Hải nói chung và thị trấn Gành Hào nói riêng”.

Huyện Đông Hải có ngư trường rộng, với chiều dài bờ biển hơn 23km, gồm hai cửa sông lớn Gành Hào và Cái Cùng thông ra biển và một cảng biển, là địa phương có tiềm năng lớn về khai thác, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái ven biển. Như vậy, cảng cá Gành Hào sẽ là một mũi xung kích cho tổng thể phát triển kinh tế biển của huyện Đông Hải. Và nơi đây, sau khi điều chỉnh quy hoạch, lượng tàu cá sẽ cập và xuất bến nhiều hơn, tạo nhiều công ăn việc làm cũng nhiều hơn.

Khu đô thị mới sắp hoàn thiện tại thị trấn Gành Hào.

Người dân bám biển làm giàu

Người dân huyện Đông Hải có truyền thống lâu đời gắn bó với biển. Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy không chỉ là “cú hích” cho huyện Đông Hải mà còn tạo chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thể hiện rõ nét ở hoạt động chính, trong đó nổi bật vai trò đầu tàu của Gành Hào: Nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, du lịch và dịch vụ cảng cá. 

Ông Nguyễn Văn Hòa, ấp 1, thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải không giấu niềm vui mừng sau chuyến tàu thành công ngoài mong đợi. Trừ các chi phí, tiền thuê nhân công, lao động, thu nhập của gia đình còn vài trăm triệu đồng. Số tiền này ngoài trang trải cho sinh hoạt của gia đình, ông còn để dành nâng cấp, sửa chữa tàu, chuẩn bị cho chuyến đi mới.

Thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, UBND huyện Đông Hải nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh khu vực Cảng cá Gành Hào phát triển mạnh các dịch vụ hậu cần và các ngành nghề phục vụ cho khai thác, đánh bắt xa bờ như: phát triển cơ sở đóng tàu, sửa chữa tàu thuyền; xây dựng các trạm xăng, nhà máy nước đá, cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ… Đồng thời mở thêm đại lý thu mua nguyên liệu thủy sản cho ngư dân và đào tạo lao động nghề biển.

Đội ngũ tàu công suất lớn đủ khả năng vươn khơi bám biển.

Bà Nguyễn Kim Hoa – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa Tuấn, có hơn 30 năm kinh doanh ở Cảng cá Gành Hào chia sẻ, thời gian qua, nhờ phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và phục vụ cho khai thác thủy sản, số lượng tàu đánh bắt xã bờ tăng lên đáng kể với sản lượng thu về ngày càng tăng, đời sống người dân ở đây không ngừng nâng lên. Cảng cá phát triển ngày càng sung túc, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, đại lý thu mua nguyên liệu cũng phát đạt, người dân ở đây đã vươn lên làm giàu từ kinh tế biển.

Với tiềm năng, lợi thế và quyết tâm chính trị cao cùng với niềm tin và khát vọng vươn lên, trong tương lai không xa, Đông Hải sẽ đi lên từ biển, làm giàu từ biển, quyết tâm trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, riêng với Gành Hào sẽ sớm phát triển lên đô thị loại IV đúng như kỳ vọng trọng thời gian tới.

Đến thời điểm này, kết quả thực hiện các tiêu chí đô thị loại IV của thị trấn Gành Hào (theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội): Trong 05 tiêu chí theo quy định đô thị loại IV, Gành Hào đạt 03 tiêu chí: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị. Hiện tại 02 tiêu chí chưa đạt là Quy mô dân số và mật độ dân số thì huyện đang có phương án phù hợp.

 

Bài, ảnh: Huy Diệu

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Cảng cá Gành Hào – địa điểm thường xuyên tấp nập ghe tàu lên cá.