Hưng Yên: Nhiều công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa bị xử lý

Chuyện ‘khó tin’ khi bất kì người dân nào cũng biết và thấy nhưng cán bộ, lãnh đạo ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên không biết, khi để hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bị biến tướng mà không kịp thời phát hiện và xử lý.

Người dân vì quá bức xúc đã liên hệ qua đường dây nóng Tạp chí Kinh tế nông thôn để phản ánh về tình trạng vi phạm sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp tại địa bàn các xã Toàn Thắng, Phạm Ngũ Lão, thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên).

Theo phản ánh, hàng loạt công trình vi phạm, xây dựng nhà ở kiên cố, có cả biệt thự, nhà vườn, sân đá bóng nhân tạo rộng hàng nghìn mét vuông mới đi vào hoạt động, kèm theo nhiều hạng mục, công trình phụ trợ khác được xây dựng trái phép trên diện tích đất nông nghiệp khiến người dân bức xúc nhưng không được chính quyền địa phương xử lý.

Sân bóng Hoàng Anh do bà Phạm Thị Nga (thôn Hội, thị trấn Lương Bằng) làm chủ, án ngữ ngay mặt đường giao thông nội đồng, được xây dựng khang trang, kiên cố, với lối vào duy nhất, bắc qua con kênh của thôn.

Sân bóng này, theo quan sát, có tổng diện tích khoảng 2.000m2, trong đó phần diện tích mặt sân rộng hơn 1.500m2 được lát bằng cỏ nhân tạo và chắn bởi tấm lưới cao khoảng 10m. Ngoài ra, trong khuôn viên sân bóng còn được xây dựng nhiều công trình phụ trợ như bể bơi, cột đèn cao áp, nhà khung sắt mái tôn bán hàng nước… Tất cả đều được xây trên đất nông nghiệp.

Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bỗng nhiên biến thành sân bóng đá cho thuê và thu lời bất chính với quy mô “khủng” nhưng chính quyền địa phương dường như không nắm được, để cho sân bóng sai phạm này tổ chức xây dựng và đi vào hoạt động “bình yên” đến lạ.

Thông tin với các cơ quan báo chí về việc để xảy ra hiện tượng sai phạm trên, lãnh đạo huyện Kim Động cho rằng, do vượt quá thẩm quyền quyết định nên huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị xử lý trường hợp này.

Được biết, ngày 15/9/2020, UBND huyện Kim Động nhận được hồ sơ đề nghị xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai do UBND thị trấn Lương Bằng thiết lập Biên bản vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Nga.

Bà Nga vi phạm khi đã tự ý chuyển đất lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Cụ thể, bà Nga đã nhận chuyển nhượng của 14 hộ dân tại thôn Lương Hội với diện tích 4.391 m2 đất trồng lúa và tự ý san lấp mặt bằng xây dựng công trình, vi phạm điểm D, khoản 3, khoản 4, điều 9 Nghị định 91 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Theo lãnh đạo huyện Kim Động, với vi phạm này, hộ gia đình sẽ bị phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng, đồng thời yêu cầu bà Nga tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, khôi phục tình trạng của thửa đất trước khi vi phạm.

Không chỉ gia đình bà Nga vi phạm trật tự xây dựng, ở xã Toàn Thắng, trong thời gian đương chức, ông Đào Thanh Hải – nguyên Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng (nhiệm kỳ 2016-2021), đã buông lỏng quản lý về đất đai. Nhà của ông Hải cũng xây dựng trên đất nông nghiệp. Bản thân ông Hải nhiều lần bị đình chỉ công tác vì thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai.

Còn ở xã Phạm Ngũ Lão, sau khi được UBND tỉnh Hưng Yên chấp nhận chủ trương, dù chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng theo quy định, nhưng Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Trường Anh Phát đã tự ý san lấp mặt bằng, thi công nhiều hạng mục công trình nhà xưởng thuộc Dự án Khu dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng xe ôtô và trạm dừng nghỉ phục vụ ăn uống Trường Anh Phát.

Đặc biệt, chính quyền địa phương khi thấy công ty này tự tiến hành san lấp mặt bằng thì chỉ ra nhắc nhở và yêu cầu hoàn thiện đầy đủ thủ tục.

Qua đó có thể thấy được sự “khó tin” khi cả một đội ngũ “hùng mạnh” được dân tin tưởng giao quản lý địa bàn nhưng vì buông lỏng quản lý hay do yếu kém trong năng lực chuyên môn hoặc đang cố tình bao che để sai phạm “khủng” đi vào hoạt động?

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cần lưu tâm hơn nữa trong công tác quản lý đất nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt cần vào cuộc mạnh mẽ xử lý dứt điểm những nội dung nêu trên, đồng thời có biện pháp quy trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương vì buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm mà không kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật.

Hữu Thắng – Báo KTNT

Theo Kinh tế nông thôn

Ảnh: Đất nông nghiệp biến thành điểm kinh doanh dịch vụ bể bơi.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtenongthon.vn/hung-yen-nhieu-cong-trinh-xay-dung-tren-dat-nong-nghiep-chua-bi-xu-ly-post37883.html