Chỉ trong vòng 100 năm, độ dày của tầng bình lưu – lớp khí quyển thứ 2 từ dưới lên – có thể bị mỏng đi tới 1,4 km.
Nghiên cứu quốc tế mới vừa công bố trên Environmental Research Letters cho biết chỉ từ năm 1980 đến nay, độ dày của tầng bình lưu đã giảm 400 m và sẽ mỏng thêm 1.000 m nữa vào năm 2080 nếu như không có sự cắt giảm đáng kể lượng khí thải mà con người đang tạo ra.
Khí quyển Trái Đất gồm nhiều tầng, từ dưới lên là tầng đối lưu, tầng bình lưu, tầng trung gian, tầng điện ly. Trong đó tầng bình lưu kéo dài từ độ cao 20-60 km kể từ mặt đất. Theo The Times, nghiên cứu mới cho thấy sự co lại của tầng bình lưu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quỹ đạo của các vệ tinh, hiệu suất tổng thể của hệ thống định vị GPS và liên lạc vô tuyến, từ đó tác động nghiêm trọng đến nhiều hoạt động của con người.
Tiến sĩ Juan Anxel từ Đại học Vigo (Ourense, Tây Ban Nha) thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định rằng tầng bình lưu đang thu hẹp là một tín hiệu rõ ràng về tình trạng khẩn cấp về khí hậu và ảnh hưởng trên quy mô hành tinh mà nhân loại đang phải gánh chịu. “Điều này chứng tỏ chúng ta đang làm rối tung bầu khí quyển lên tới 60 km” – ông nói.
The Guardian cho biết nghiên cứu đã xác định nguyên nhân chính làm mỏng tầng bình lưu là lượng CO2 khổng lồ mà con người thải ra thông qua các hoạt động sản xuất. Khí này khiến tầng đối lưu ngày càng cao lên và đẩy tầng bình lưu co lại.
Phát hiện mới này là một bằng chứng về tác động sâu sắc, mang tính tàn phá của con người lên hành tinh. Hồi tháng 4, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng khủng hoảng khí hậu làm lệch trục Trái Đất, do sự tan chảy của các sông băng lớn khiến trọng lượng toàn cầu bị phân bổ lại
CO2 chỉ chiếm hơn 0,04% khí quyển nhưng lại mang tác động hết sức lớn. Ở thời điểm hiện tại, nồng độ CO2 trong khí quyển của Trái đất đang cao hơn bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử, và trách nhiệm chính nằm ở con người. Theo dự tính, nồng độ CO2 trong khí quyển có thể chạm ngưỡng 0,1% vào năm 2100, nghĩa là gấp 3 lần lượng khí thải ra trước thời kỳ Cách mạng Công nghiệp. Hiển nhiên, hệ quả gây ra sẽ là rất lớn.
Ánh Dương – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Hoàng hôn trên Ấn Độ Dương, với các tầng khí quyển hiện ra trong các màu sắc khác biệt. Màu vàng cam là tầng đối lưu, còn tầng bình lưu mang sắc trắng ửng hồng – (Ảnh: NASA)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/hung-thu-bao-mon-khi-quyen-trai-dat-55285.html