Huế: Mới khánh thành ‘cầu vàng’ đã chuyển thành ‘cầu đen’ nham nhở

Tuy mới chỉ khánh thành đưa vào sử dụng chưa đầy 2 tuần ‘cầu vàng’ đã chuyển sang ‘cầu đen’ một cách nham nhở.

Cầu đi bộ trên sông Hương, có hệ thống lan can chắn 2 bên có màu vàng óng, nên có nhiều người dân ví von gọi một cái tên khác là “cầu vàng”.

Trước đó, vào tối 15/1, UBND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với tổ chức KOICA, Hàn Quốc tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng dự án thí điểm cầu đi bộ trên sông Hương.

Cầu đi bộ trên sông Hương nằm trong dự án quy hoạch chi tiết 2 bờ sông Hương, gồm các hạng mục như: cầu đi bộ, sàn lát gỗ lim; bến thuyền; sân khấu biểu diễn ngoài trời; hệ thống giao thông, đường đi bộ dọc bờ sông nối từ khu vực cầu Phú Xuân đến nhà hàng Festival; hệ thống chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ khác do Chính phủ Hàn Quốc thông qua tổ chức KOICA tài trợ không hoàn lại cho thành phố Huế.

Hệ thống lan can đã ngã màu nham nhở.

Sự khác biệt về màu sắc của những thanh kim loại vào thời điểm hiện tại (Ảnh chụp sáng 26/1)

Cầu đi bộ trên sông Hương dài 400m, có diện tích 2.443m2, kết cấu bê tông cốt thép, rộng 4m, sàn lát 16.000 thanh gỗ lim và có hệ thống thoát nước sàn gỗ của cầu. Tổng kinh phí hỗ trợ không hoàn lại là 6 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc, thông qua tổ chức KOICA tài trợ cho thành phố Huế thực hiện.

Riêng hạng mục cầu đi bộ có chi phí trên 5,7 tỷ đồng, nhằm kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng, phục vụ khách du lịch vui chơi, ngắm cảnh.

Công trình kết nối với bến thuyền bao gồm sàn bê tông cốt thép, các cọc neo thuyền; sân khấu biểu diễn ngoài trời cũng có sàn bê tông cốt thép và hệ thống ghế ngồi; hệ thống điện chiếu sáng bao gồm 37 bóng điện cột đứng nhập từ nước ngoài, tạo điểm nhấn về đêm cho công trình.

Trước sự ngã màu bất thường của hệ thống lan can chiếc cầu này, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề chất lượng?.

Một thông tin liên quan đến chiếc cầu gỗ lim này có hệ thống lan can 2 bên là 4.100 thanh đồng (7 tấn). Loại đồng dày 3 ly nhập từng tấm của Hàn Quốc về, sau đó gia công dập lại thành từng thanh ở Huế.

Cây cầu từng là tiêu điểm của, tạo sự quan tâm của người dân ngay từ khi mới khởi công do xây dựng ven sông Hương, lại lựa chọn vật liệu lát sàn là gỗ lim – một loại vật liệu được cho là “nhạy cảm” với môi trường thời tiết khắc nghiệt xứ Huế.

Đăng Hậu 

Theo TCĐNA

Ảnh: Chiếc cầu vào thời điểm bắt đầu hình thành có hệ thống lan can màu vàng óng nên nhiều người ví von gọi là “cầu vàng”. (Ảnh: Zing)

Xem bài viết gốc tại đây:

http://seatimes.com.vn/hue-moi-khanh-thanh-cau-vang-da-chuyen-thanh-cau-den-nham-nho-n105971.html