Huế: Đường cứu hộ, cứu nạn gần 700 tỷ chưa xong đã nứt do… ‘co ngót bê tông’

Có nguồn vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng và đang được triển khai thi công nhưng ‘Đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền – Điền Lộc’ (Thừa Thiên – Huế) đã xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc mặt đường bê tông khiến cho nhiều người dân băn khoăn, lo lắng.

Dự án thi công gần 10 năm chưa xong

Dự án “Đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền – Điền Lộc” (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2010 với chức năng phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, phát triển hạ tầng giao thông; làm tiền đề xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cho nhân dân khu vực đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và vùng ven biển.

Dự án có chiều dài 16,25 km (nối QL1A tại thị trấn Phong Điền và bãi biển xã Điền Lộc) với tổng vốn gần 671, 988 tỷ đồng (trong đó: chi phí xây dựng 575,299 tỷ đồng, đền bù GPMB 27,693 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 5,819 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư 16,249 tỷ đồng, chi phí khác 5,157 tỷ đồng và chi phí dự phòng 41,771 tỷ đồng) từ nguồn Ngân sách Nhà nước.

Công trình được triển khai thi công từ năm 2012 do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư, liên danh Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Thành Công và Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông Thừa Thiên – Huế lập khảo sát thiết kế.

Tuy nhiên, đến năm 2015 công trình thi công thiếu vốn nên ngừng triển khai, dang dở và đến năm 2019 tiếp tục thi công trở lại với phân kỳ giai đoạn 1 có tổng vốn bố trí 192 tỷ đồng.

Xuất hiện vết nứt ngang dọc, chủ đầu tư nói do… “co ngót bê tông”

Theo báo cáo, giai đoạn 1 công trình “Đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền – Điền Lộc” sẽ thi công mặt đường từ Km 0+00 – Km3+350 bằng bê tông nhựa dày 7cm và Km3+350 – Km9 +800 với mặt đường bằng bê tông xi măng cùng với các hạng mục như cầu Thiềm, cầu Bàu Bàng…

Theo ghi nhận của PV Infonet, công trình “Đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền – Điền Lộc” (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã cơ bản hoàn thành cầu Bàu Bàng (dài 45,1m, rộng 16,5m), cầu Thiềm (dài 48,1m, rộng 16,5m), cầu vượt đường sắt phần thô (dài 66m, rộng 31m)… Riêng mặt đường bê tông từ Khu công nghiệp Phong Điền đến Tỉnh lộ 4 cũng đang được Công ty Cổ phần xây dựng Thành Đạt thi công hoàn thành.

Tuy nhiên, hiện nay trên mặt đường bê tông lại xuất hiện rạn nứt, nhiều vết nứt kéo dài ngang dọc khiến cho người dân và những người lưu thông trên đường bức xúc, có ý kiến.

Đơn vị thi công đổ bê tông mặt đường bằng các máy móc hiện đại.

Nhưng dù chưa bàn giao đường đã có các vết nứt sâu xuống hết phần bê tông tại nhiều vị trí.

Anh Nguyễn Văn V. (một người dân trú huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bức xúc: “Con đường chưa xây xong đã có các vết nứt như thế này, không biết các cơ quan quản lý Nhà nước đi kiểm tra có phát hiện không? Chúng tôi sống quanh đây thấy rõ, các vết nứt trên mặt đường xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng rộng ra thêm”.

“Thấy doanh nghiệp sử dụng toàn máy móc lớn hiện đại thi công tưởng an tâm, nhưng đường lại xảy ra hư hỏng nhanh như thế này thì đáng lo lắng lắm” – bà Trần Thị M. , một người dân khác sống tại đây cũng lo lắng cho biết.

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Cường – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên – Huế thừa nhận: “Đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền – Điền Lộc” có xuất hiện các vết nứt trên mặt đường đúng như phản ánh. Sau khi nhận được thông tin, chủ đầu tư cùng tư vấn giám sát và kỹ thuật đã đi kiểm tra thực tế tại hiện trường”.

Lí giải hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Cường cho biết: “Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thời tiết làm co ngót bê tông, khiến mặt đường bị nứt nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình”!?

Về cách khắc phục, ông Nguyễn Văn Cường thông tin “sẽ cho đơn vị thi công cắt theo vết nứt rộng 60cm bóc lên rồi cho phụ gia chống co ngót, thảm lại mặt đường”.

Tuy nhiên, qua quan sát các vết nứt bằng hình ảnh được PV Infonet cung cấp, một chuyên gia xây dựng ở tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định: “Không phải do thời tiết khiến mặt đường bê tông bị nứt mà có thể do mác cấp phối, nền cốt (độ K) không đảm bảo, chế độ bảo dưỡng sau khi đổ bê tông không đạt tiêu chuẩn… khiến mặt đường bị nứt gãy kéo dài”.

Ngoài ra, vị này cho rằng, nếu nứt do co ngót bê tông bởi thời tiết thì sẽ xuất hiện rạn nứt nhỏ li ti trên mặt đường nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Còn đây các vết nứt không phải do co ngót bê tông.

Dưới đây là những hình ảnh PV Infonet ghi nhận được tại công trình:

Vết nứt cắt ngang trên mặt đường dù mới được đổ bê tông không lâu.

Các vết nứt rất rộng khiến cho người dân lo lắng về công trình.

Nhiều người lưu thông trên đoạn được này đều phát hiện các vết nứt ngang, dọc và nằm khá gần các khe co giãn.

Vết nứt dài, chuẩn bị được đơn vị thi công cắt thành khe co giãn mới trên mặt đường.

Các vị trí nứt với nhiều hình thái, xuất hiện nhiều trên mặt đường ở mọi vị trí.

Gần các khe co giãn vẫn xuất hiện vết nứt dài.

Một vết nứt gần hạng mục cầu.

Các vết nứt được cho là “co ngót bê tông”!?

Theo chủ đầu tư, các vết nứt dài này dự kiến sẽ được cắt ra thảm lại.

Hà Oai – Báo Infonet

Theo Infonet

Ảnh: Công trình “Đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền – Điền Lộc” (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://infonet.vietnamnet.vn/hue-duong-cuu-ho-cuu-nan-gan-700-ty-chua-xong-da-nut-do-co-ngot-be-tong-post331826.info