Thống kê cho thấy có gần 1,2 triệu cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, trong đó có hơn 88.000 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 99 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) năm 2023.
Thống kê cho thấy có gần 1,2 triệu cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó hơn 88.000 cơ sở có sự nguy hiểm về cháy, nổ.
Từ ngày 1.10.2022 đến 30.9.2023, toàn quốc xảy ra hơn 1.900 vụ cháy, trong đó, có 93 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 144 người, bị thương 67 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 280 tỉ đồng.
Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở khu dân cư, nhất là loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Điển hình là vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua.
Chính phủ nhận định, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, khó lường; đề nghị Quốc hội chỉ đạo hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác PCCC; tăng cường giám sát công tác này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.
Về việc xử lý các công trình chưa bảo đảm an toàn PCCC, Chính phủ cho biết, qua rà soát cả nước có 5.805 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC nhưng được đưa vào sử dụng; hơn 8.000 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng.
Đối với các công trình này, công an các địa phương kiên quyết xử lý hành vi vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và đăng tải công khai thông tin công trình trên phương tiện thông tin đại chúng.
Về việc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất độc hại, nguy hiểm, báo cáo của Chính phủ nêu đã có 60 cơ sở được di dời bảo đảm theo quy định, còn lại 33 cơ sở đã có phương án di dời (theo lộ trình thực hiện của các địa phương, thời hạn muộn nhất hoàn thiện trong năm 2025).
Bộ Công an đang chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc chủ trì, phối hợp với các sở ngành, cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao… Qua đó, đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp hạn chế cháy nổ. Thời gian thực hiện tổng rà soát sẽ hoàn thành trước ngày 15.11.
Chính phủ cũng nhận định, tại nhiều địa phương, nhất là đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý của nhà nước. Một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành quy định về PCCC.
Các loại hình biến tướng chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023 ngân sách đầu tư cho công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ khoảng gần 3.300 tỉ đồng, trong đó hơn 1.200 tỉ được đầu tư trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ; hơn 350 tỉ để xây dựng trụ sở, doanh trại và hơn 1.600 tỉ chi cho các hoạt động khác.
Trước thực tế này, Chính phủ đề xuất Quốc hội ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn cứu hộ khi xem xét, quyết định việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Lam Thanh/MTG
Theo Một Thế Giới
Ảnh: Trong vòng 1 năm trở lại đây, cả nước xảy ra hơn 1.900 vụ cháy
Xem bài viết gốc tại đây:
https://1thegioi.vn/hon-88-000-co-so-co-nguy-hiem-ve-chay-no-207583.html