Hơn 33.000 người thiệt mạng trong thảm hoạ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ – Syria

Theo số liệu mới nhất, số người chết trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất thảm khốc hôm 6/2 đã lên tới 33.181 người.

Các quan chức và nhân viên y tế cho biết 29.605 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.576 người chết ở Syria sau trận động đất mạnh 7,8 độ hôm 6/2, nâng tổng số người chết được xác nhận lên 33.181.

Dự đoán số nạn nhân thiệt mạng có thể tăng gấp đôi

Trao đổi với Sky’s Kay Burley, điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc (LHQ) Martin Griffiths, người đang ở tỉnh Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết số người chết bởi động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể “tăng gấp đôi”.

Theo ông Griffiths, một mặt, điều này vô cùng gây sốc nhưng mặt khác cũng cần ghi nhận một phản ứng phi thường trong “trận động đất thảm khốc nhất trong 100 năm qua”.

Hiện nay, chưa có con số cuối cùng về nạn nhân thiệt mạng bởi trận động đất thế kỷ. Ông Griffiths cũng cho rằng rất khó để ước tính chính xác bởi vì cần phải chui xuống đống đổ nát, nhưng theo ông, “chắc chắn nó sẽ tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn”.

Đánh giá về sức mạnh của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Tổng Giám đốc Giảm thiểu Rủi ro Động đất tại Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho rằng mức độ tàn phá tương đương 500 trăm quả bom hạt nhân.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, 5 ngày đau thương và thống khổ đang dần trở thành cơn thịnh nộ về chất lượng kém của các tòa nhà cũng như phản ứng của chính phủ. Trước những câu hỏi về cách ứng phó trận động đất kinh hoàng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, Tổng thống Tayyip Erdogan cam kết sẽ bắt đầu xây dựng lại trong vòng vài tuần.

Ở thành phố Antakya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, túi đựng thi thể nằm la liệt trên đường phố và người dân phải đeo khẩu trang ngăn mùi tử thi khi họ tham gia cùng lực lượng cứu hộ tiếp cận một số tòa nhà.

Tại Syria, thảm họa ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng tây bắc do phiến quân kiểm soát, khiến nhiều người mất nhà cửa lần thứ hai sau khi phải di dời do cuộc nội chiến đang diễn ra.

Ramadan Sleiman, 28 tuổi, ở thị trấn Jandaris, cho hay: “Ngày đầu tiên chúng tôi ngủ ngoài đường. Ngày thứ hai, chúng tôi ngủ trong ôtô và sau đó thì ngủ ở nhà người khác”. Gia đình anh đã chuyển từ miền đông Syria đến Jandaris để chạy trốn chiến tranh.

Tại thành phố Aleppo do chính phủ kiểm soát, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả thảm họa này “rất đau lòng”. Ông đang giám sát công tác phân phối hàng cứu trợ và cam kết sẽ có thêm nhiều chuyến hàng được chuyển tới.

Lo ngại nguy cơ dịch bệnh bùng phát

Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm lây lan sau động đất, đặc biệt là các bệnh phát sinh do thực phẩm và nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. LHQ cho biết có tới 5,3 triệu người tại Syria mất nhà cửa sau trận động đất, trong khi có gần 900.000 người tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần thực phẩm.

Trước những khó khăn mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang phải đối mặt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gửi 35 tấn hàng cứu trợ tới thành phố Aleppo, phía Bắc của Syia trong khi Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng tới thành phố này, thăm các nạn nhân nhập viện, các khu tạm trú và các địa điểm bị tàn phá sau động đất.

tm-img-alt
Một em bé được giải cứu sau khi bị chôn vùi nhiều tiếng đồng hồ dưới đống đổ nát. Ảnh: AFP

 

Truyền thông Syria đưa tin chính phủ nước này đã cho phép chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới các khu vực ảnh hưởng hiện thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập. Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến mở thêm 2 tuyến đường cứu trợ mới đến các địa phương này của Syria.

Người đứng đầu WHO ủng hộ việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Syria trong 180 ngày để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả thiên tai.

Thổ Nhĩ Kỳ truy cứu trách nhiệm sau trận động đất, hơn 100 người bị cáo buộc ngộ sát

Theo đài truyền hình địa phương, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến hành bắt giữ hơn một trăm nhà thầu, kiến ​​trúc sư và kỹ sư đóng vai trò trong việc xây dựng các tòa nhà bị sập trong trận động đất lịch sử xảy ra hồi đầu tuần.

Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay ngày 11/2 cho biết cảnh sát đã xác định được 131 nghi phạm có liên quan đến việc xây dựng các công trình và lệnh tạm giam đã được phát ra đối với 113 người và ít nhất 12 người đã phải ngồi tù. Những người bị giam giữ bị truy tố với các cáo buộc từ vi phạm quy tắc xây dựng đến ngộ sát.

Trước đó, ngày 8/2, Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag cho hay mặc dù chính phủ hiện ưu tiên các nỗ lực cứu hộ, nhưng thủ tục tư pháp vẫn sẽ được tiến hành. Những người bị phát hiện sơ suất và lỗi sai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo các văn phòng công tố địa phương thành lập “Cục điều tra tội phạm động đất” tại 10 tỉnh đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, khoảng 50 người đã bị bắt vì có hành vi cướp bóc sau động đất. Hãng thông tấn Anadolu cho biết các nghi phạm bị giam giữ ở 8 tỉnh khác nhau.

Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đang diễn ra hết sức khẩn trương với sự tham gia của các đoàn cứu hộ từ nhiều nước trên thế giới. Ít nhất 160.000 người, bao gồm cả các nhân viên cứu hộ nước ngoài, đang tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do thời tiết giá lạnh.

Đoàn công tác cứu nạn cứu hộ Việt Nam do Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an) làm Trưởng đoàn, đã nhanh chóng làm nhiệm vụ tại thành phố Adiyaman của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại Phong

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11/2. Ảnh: AFP.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.moitruongvadothi.vn/hon-33000-nguoi-thiet-mang-trong-tham-hoa-dong-dat-tai-tho-nhi-ky-syria-a122424.html