Trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia có hơn 1.900 bến thủy trái phép, cần xử lý dứt điểm, đảm bảo an toàn.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, hiện trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia còn tồn tại 1.902 bến thủy nội địa không phép.
Cụ thể, bến thủy nội địa hết hạn hoạt động có 991 bến; bến thủy nội địa hoạt động không phép 909 bến.
Trong đó, các tỉnh có nhiều bến không phép là Nam Định với 233 bến, Hải Dương 97 bến, Bắc Giang 51bến, Bắc Ninh 48 bến…
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, một số bến đã tồn tại lâu năm và nằm trong hành lang an toàn cầu, các công trình, đê điều, hành lang thoát lũ…
Nhiều bến không cấp phép được do vướng mắc trong thủ tục đất đai. Theo đó, thủ tục giao đất của các địa phương gặp rất nhiều khó khăn; nhiều bến thủy nội địa được thông báo thu hồi hợp đồng thuê đất vì chính quyền địa phương cấp đất không đúng thẩm quyền và không đúng quy định tồn tại từ lâu, chưa giải quyết được.
Bên cạnh đó, địa phương chưa thực sự quan tâm công tác đường thủy nội địa nói chung và công tác quản lý nói riêng trong khi các bến thủy không phép thuộc thẩm quyền của địa phương.
Nhân sự chuyên trách quản lý đường thủy ở cấp sở GTVT, phòng giao thông huyện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; không có lực lượng chức năng chuyên trách và phương tiện, công cụ, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; công chức quản lý không có trình độ chuyên môn liên quan, chưa được đào tạo tập huấn, chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Trước thực trạng này, vừa qua, Bộ GTVT đã họp, bàn biện pháp xử lý dứt điểm. Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, phối hợp với các địa phương, các lực lực lượng triển khai.
Từ 1/7 đến 31/12/2024 tiến hành kiểm tra cuốn chiếu trên các tuyến, kết thúc năm 2024 hoàn thành toàn bộ. Quá trình kiểm tra, tiến hành đánh giá hiện trạng cảng, bến, phương tiện, khu neo đậu; Từ hiện trạng đó đánh giá nguy cơ mất an toàn và kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý.
Cục Đường thủy nội địa VN cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý đường thủy nội địa theo hướng: UBND cấp tỉnh phải chủ trì, tổ chức giải tỏa, cưỡng chế, giám sát các cảng, bến, khu neo đậu, vùng chuyển tải, vùng neo chờ không đủ điều kiện hoạt động và các công trình, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trái quy định, hoặc theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Theo Giao Thông
Ảnh: Bến thủy trái phép ở Bắc Giang.
Xem bài viết gốc tại đây: