Hội thảo “Gợi mở định hướng phát triển cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại Lào

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Lào và Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh về sự hợp tác toàn diện, sâu rộng, mạnh mẽ giữa hai nước trong thế kỷ 21.

Sáng ngày 04/4/2023, tại Trung tâm đào tạo quốc tế của Bộ Ngoại giao Lào (ICTC), thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào đã diễn ra Hội thảo chuyên đề – Gợi mở định hướng phát triển cho hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Lào dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Bộ Công nghệ & Truyền thông Lào.

Tham dự Hội thảo có ông Sontisouk Simmalavong- Thứ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào; Ông Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại diện một số Bộ, Ban, ngành, Cục, Vụ, Viện, Trường Đại học, Làng công nghệ; doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí của Lào và Việt Nam.

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kết nối công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam- Lào năm 2023, với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác liên kết ứng dụng, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo giữa các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp hai nước, củng cố thêm mối quan hệ hợp tác thân thiết, bền chặt, có truyền thống lâu dài của hai nước Việt Nam – Lào, Hội thảo chuyên đề “Gợi mở định hướng phát triển cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Lào” là nơi trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các Lãnh đạo, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam với nước bạn Lào.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Lào và Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh về sự hợp tác toàn diện, sâu rộng, mạnh mẽ giữa hai nước trong thế kỷ 21.

Bên cạnh đó, ông Trần Văn Tùng cũng cho biết về các thành tựu tích cực trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Để có những bước phát triển mạnh mẽ như kết quả nêu trên, Việt Nam trong hơn 5 năm qua đã quyết liệt cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và đầu tư. Bước sang giai đoạn mới trong thời gian tới, hệ sinh thái cần phát triển thêm một bước với việc tập trung nguồn lực tạo dựng những trụ cột nâng đỡ, thúc đẩy liên kết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của khu vực trong đó có Lào và Việt Nam.

tm-img-alt
Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Minh Phan

 

“Việc hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và trong các doanh nghiệp đây là chính sách hướng đến việc thiết lập các trụ cột như vậy để tăng cường mối liên kết viện – trường – doanh nghiệp – địa phương – quốc gia, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khai thác có hiệu quả các tài sản trí tuệ, từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá trong tương lai”, ông Trần Văn Tùng chia sẻ.

Cũng theo ông Tùng, để thực hiện chính sách này một cách có hiệu quả không thể thiếu vai trò trung tâm của cộng đồng quốc tế, đó là các cơ quan chính phủ, tổ chức, hiệp hội, tập đoàn và những cá nhân nhiệt huyết, tài năng người Việt, Lào khắp nơi trên thế giới. Do đó, mong muốn có nhiều hơn nữa những hoạt động, hợp tác, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị để được cùng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Lào và Việt Nam.

tm-img-alt
Ông Sontisouk Simmalavong -Thứ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Minh Phan

 

Đáp lại bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông Sontisouk Simmalavong – Thứ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với các lãnh đạo và chuyên gia Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh về những lĩnh vực hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Lào như thúc đẩy hợp tác trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và tìm kiếm đối tác giữa các đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp hai nước; Kết nối các nhà khoa học và nhà phát triển công nghệ; Xúc tiến chuyển giao công nghệ, ứng dụng đổi mới sáng tạo, tạo và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp Lào – Việt Nam;….

Cũng theo ông Sontisouk Simmalavong, Chính phủ Lào đã và đang tập trung để phát triển đất nước theo hướng hiện đại hoá và phát triển kinh tế số, hội nhập quốc tế. Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng đối với khối nhà nước, tư nhân của cả Lào và Việt Nam. Hai nước nâng cao quan hệ, khuyến khích các starup khởi nghiệp, phát triển công nghệ thay thế, bảo vệ môi trường…

Tại hội thảo, nhiều tham luận của các chuyên gia Việt Nam đã chia sẻ về nhiều lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, marketing và phát triển công nghệ sắc đẹp với nhiều kinh nghiệm và câu chuyện về khởi nghiệp để chia sẻ cho các startup tại Lào, đồng thời mở ra các cơ hội để trao đổi, hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa 2 nước.

tm-img-alt
Lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công Nghệ Việt Nam, Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào, các chuyên gia chia sẻ về phát triển hệ sinh thái của cả hai nước. Ảnh Minh Phan

 

Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra các toạ đàm với sự tham gia và chia sẻ của các lãnh đạo thuộc Bộ Khoa học và Công Nghệ Việt Nam, cũng như Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào và các chuyên gia phát triển hệ sinh thái từ cả hai nước nhằm định hướng những bước phát triển mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Lào; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác phát triển mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam – Lào; đồng thời, đây là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp hai nước tìm kiếm các cơ hội hợp tác và xúc tiến đầu tư Việt Nam – Lào.

Ánh Hồng – Lâm Bình

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh Minh Phan