Gần 20 năm chờ đợi, từ khi chính quyền thông báo dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, đến nay, giấc mơ xanh hóa dòng kênh dần thành hiện thực, khi chính quyền TP HCM sắp làm lễ khởi công giai đoạn 2 của dự án
Có người nghe khởi công dự án đã thốt lên rằng: Rồi con kênh này sẽ không thua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Kênh xanh, đời người sẽ tươi mới hơn.
Kênh xanh cuộc sống sẽ tươi mới hơn
Chiều xuống, khu vực cầu Chợ Cầu bắc qua kênh Tham Lương tấp nập dòng xe qua lại, 2 bên chân cầu, nhiều hộ buôn bán vẫn mở cửa cho khách ra vô. Sự tấp nập, nhộn nhịp của những ngày trước Tết vẫn còn vương vấn nơi đây. Thế nhưng, cách đó vài chục mét, con đường đất nhỏ dẫn vào khu dân cư dưới dạ cầu buồn hiu hắt, 2 bên cỏ mọc um tùm, vài đống rác cháy sém vẫn còn nham nhở. Thật khó tin, đây là khu dân cư sầm uất nằm sát chợ Cầu.
Nghe tiếng xe dừng trước nhà, nghĩ có khách đến mua cá kiểng, bà Nguyễn Thị Búp (67 tuổi; khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) vội chạy ra. Bà thất vọng khi tôi không hỏi mua cá mà lại hỏi về dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên.
Bà Búp kể: Năm 2002, địa phương thông báo dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên được thực hiện nhằm nạo vét, xử lý nước kênh, mở đường 2 bờ kênh… Lúc đó, gia đình bà phải nhường 600 m2 đất cho dự án đi qua nhưng do giá đền bù thấp, đến năm 2015, bà mới nhận tiền đền bù với giá chưa đến 900.000 đồng/m2. Từ lúc giao đất cho dự án đến nay, bà Búp cho rằng gia đình mình “khó” hơn vì mất đi nguồn thu nhập từ dãy nhà trọ, rồi không buôn bán quán nước được như trước, bệnh già phát sinh khiến cuộc sống đi xuống.
“Buồn hơn là nhiều năm trôi qua, con kênh vẫn hôi thối, 2 bên bờ kênh cỏ mọc đầy, nhiều người mang rác đến đây xả, tiểu tiện… rất mất vệ sinh. Tôi chỉ mong dự án sớm thực hiện giai đoạn 2 để người dân giao đất cho dự án được bồi đắp những thiệt thòi nhiều năm qua. Khi lòng kênh không còn mùi hôi, đường thông thoáng, sạch sẽ, hy vọng gia đình tôi có thêm sinh kế mới để trang trải cuộc sống” – bà Búp kỳ vọng.
Sát nhà bà Búp là đại gia đình cụ Phạm Thị Nở (80 tuổi) sống trong dãy nhà cấp 4 liền kề đang xuống cấp nhiều năm nay. Mỗi khi triều cường lên, nước kênh đen kịt tràn vào tận nhà, mọi người thay nhau tát nước, rất khổ. Chưa kể, xung quanh nhà cây cỏ mọc um tùm nên muỗi, chuột bọ rất nhiều.
Dẫn chúng tôi ra bờ kênh, cụ Nở hồi tưởng về dòng kênh xanh mát cách đây 30 năm khi cá tôm vẫn còn nhiều, những cây cầu sắt bắc qua lòng kênh là nơi các con của bà thường nhảy xuống tắm. “Tụi nó biết bơi là nhờ con kênh này. Tuy nhiên, không lâu sau nước kênh bắt đầu chuyển màu, ô nhiễm, nhiều rác, từ đó người dân không dám bắt cá, tắm kênh nữa. Nếu chính quyền cải tạo dòng kênh, người dân rất mừng vì không còn ngửi mùi hôi, không sợ nước kênh tràn vào nhà nữa, thêm nữa là tụi nhỏ có thể mở mang buôn bán, kiếm thêm thu nhập” – cụ Nở mường tượng.
Tiếp tục đi dọc kênh Tham Lương về phía quận Bình Tân, chúng tôi ghé nhà cô Nguyễn Long Hoa (70 tuổi; ngụ đường số 5, phường Bình Hưng Hòa). Nhìn bên ngoài, khó nhận ra căn nhà cấp 4 cô đang ở do căn nhà thấp hơn mặt đường khá nhiều. Gia đình cô cũng giao gần 70 m2 đất cho dự án bằng cách cắt gần nửa căn nhà đúc 1 tấm, chỉ còn lại nửa căn không đúc.
Con đường ven kênh, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM đầy bụi và rác nhiều năm nay
Nhiều con đường dẫn vào khu dân cư dọc kênh ở quận 12, TP HCM cỏ mọc um tùm
Hàng vạn người chờ mong
Mong chờ sinh kế là những kỳ vọng của người dân có đất giao cho dự án trải lòng với chúng tôi. Không chỉ là sinh kế, là chất lượng sống mà những kỳ vọng về kết nối giao thông, giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn cũng được người dân sống 2 bên bờ kênh, trên những tuyến đường chính bắc qua kênh mong đợi.
Quả thật, đi dọc đoạn kênh chảy qua Khu Công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú), chúng tôi ấn tượng bởi dòng kênh nằm dưới hàng cây xanh tươi mát. Tuy nhiên, nhiều đoạn lòng kênh ken kín lục bình, cỏ dại mọc đầy 2 bên bờ. Trên bờ kênh, một số đoạn dù được rào lưới nhưng vẫn bị người dân xả rác, gây ô nhiễm, mất thẩm mỹ. Quá bất mãn với nạn xả rác, nhiều đoạn được Ban Quản lý khu công nghiệp gắn biển cấm nhưng tình hình không được cải thiện.
Tương tự, 2 bên bờ kênh thuộc phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cũng đầy rác. Ông Nguyễn Tấn Thành, người dân sống gần kênh, cho hay để ngăn chặn nạn vứt rác, người dân mang cây chuối, cây cảnh ra trồng nhưng rác vẫn xuất hiện. Vài ba ngày, ông và một số người ra đây dọn rồi đốt. Chỉ mong con kênh sớm được xanh hóa để môi trường trong lành, người dân không còn xả rác bậy.
Dọc con đường tạm đầy rác này dẫn đến 3 ngôi trường tiểu học và THCS nằm sát mé kênh. Nhiều năm nay, mỗi ngày hàng trăm lượt học sinh chịu cảnh mưa lầy, nắng bụi khi đi qua con đường đến trường. Thấy chúng tôi chụp ảnh, em Nguyễn Tấn Phát (học sinh lớp 6 Trường THCS Lạc Long Quân) chia sẻ: “Ngày nào tụi con cũng đi qua con đường này và quá quen với những túi rác được bỏ ở ven đường, chưa kể bụi rất nhiều. Tụi con mong bờ kênh sạch đẹp để mọi người nâng cao ý thức, bảo vệ môi trường”.
Chúng tôi chưa thể đi hết dọc đôi bờ kênh bởi nhiều đoạn giao thông bị chia cắt, tạo thành những con đường cụt. Chính sự chia cắt này tạo ra sự khác biệt rất lớn ở 2 bờ kênh. Đứng bên đây bờ, ngó bên kia bờ một số đoạn kênh, chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì sự khác biệt giữa dân cư 2 bờ. Nếu như đoạn kênh phường 12, quận Gò Vấp khang trang, giá đất cao bao nhiêu thì bờ bên này, thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12, đường sá lại “nông thôn hóa”, nhếch nhác bấy nhiêu. Rất nhiều sự phân cấp đô thị – ngoại thành diễn ra 2 bên bờ kênh mà những người lần đầu đến đây sẽ rất ngạc nhiên.
Một ngày không xa khi đôi bờ kênh được chỉnh trang đồng bộ, sự khác biệt, chia cắt ấy sẽ không còn. Những con đường mới không chỉ chia sẻ áp lực giao thông cho khu vực vùng ven, nhất là những tuyến đường thường xuyên ùn tắc như Quốc lộ 1, Phan Văn Hớn, Quang Trung, Tân Kỳ Tân Quý… mà còn kết nối giao thông trục phía Tây, tạo cơ hội phát triển giao thông thủy, nâng cao chất lượng sống, tạo cơ hội đổi đời cho người dân 2 bên bờ kênh.
Dự án khi hoàn thành sẽ là trục động lực phát triển phía Tây thành phố, hình thành các tuyến giao thông thủy kết nối với các quận, huyện của thành phố cũng như kết nối TP HCM đi các tỉnh miền Tây và miền Đông… |
Hoàn thành vào năm 2025 Dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên được khởi động từ năm 2016 sau khi đã hoàn tất đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân. Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm nạo vét bùn dưới kênh, tạo đường giao thông đất dọc 2 bên kênh và đã hoàn tất cơ bản. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện nhiều hạng mục như: Xây dựng hạng mục kè dài hơn 32,7 km bằng bê-tông; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới, sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên; xây dựng 12 bến thuyền dọc tuyến kênh; làm đường và công trình hạ tầng dọc theo chiều dài 2 bờ kênh. Sau nhiều năm giải quyết nhiều vướng mắc liên quan nguồn vốn tài trợ, đến nay giai đoạn 2 dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư, chính thức khởi động, dự kiến khởi công đầu năm 2023, hoàn thành năm 2025. Dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn trung ương và địa phương, trong đó chi phí xây dựng gần 6.400 tỉ đồng, còn lại là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và các khoản dự phòng. Kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên có tổng chiều dài 32,71 km đi qua 7 quận, huyện gồm: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh. Dự án hoàn thành không chỉ có nhiệm vụ tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm môi trường quanh khu vực mà còn tăng cường kết nối giao thông cho trục Bắc Nam, góp phần bảo đảm giao thông thủy theo tiêu chuẩn. |
Bài và ảnh: Thu Hồng – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Đoạn kênh qua Khu Công nghiệp Tân Bình nhiều chỗ đầy lục bình, bồi lắng
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/thoi-su/hoi-sinh-kenh-tham-luong-ben-cat-rach-nuoc-len-20230204200839797.htm